Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Không được “cài cắm” vào luật lợi ích nhóm

Thứ sáu, 23/12/2016 - 19:56

(Thanh tra) - Ngày 23/12, tại hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta không chấp nhận pháp luật được ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, ngành nào đó…

Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Còn để Quốc hội “bắc nước chờ gạo”

Theo Thủ tướng, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã quan tâm nhiều đến xây dựng thể chế, một nhiệm vụ quan trọng nhất, cơ bản nhất của Chính phủ kiến tạo phát triển.

Bộ đã nỗ lực, tập trung cao cho công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, góp phần tạo ra khung khổ pháp luật ngày càng minh bạch, bình đẳng, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp.

“Lần đầu tiên Chính phủ đã không còn nợ Nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Bộ Tư pháp đóng vai trò rất lớn trong việc này”, Thủ tướng đánh giá.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, pháp luật còn nhiều hạn chế, chất lượng còn thấp, thiếu ổn định, nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung.

 “Xây dựng nhà nước pháp quyền không phải là anh xây dựng được bao nhiêu luật mà là trình độ người làm luật, thẩm tra, thẩm định luật đó. Cái này chúng ta còn nhiều bất cập”, Thủ tướng nói và nhắc lại ý kiến của đại biểu Quốc hội về tình trạng để Quốc hội phải “bắc nước chờ gạo, nước đã sôi mà vẫn chưa thấy mang gạo tới”.

“Điều đáng buồn là Bộ luật Hình sự phải tạm dừng hiệu lực do có gần 100 sai sót phải sửa đổi. Đây là điều chưa có tiền lệ”, Thủ tướng đề nghị, thẳng thắn trao đổi để qua đó, rút kinh nghiệm chung, tìm ra bài học để khắc phục.

Pháp luật phải kiểm soát quyền lực

Không chỉ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa có hiệu quả cao, còn tình trạng thường xuyên xin lùi, xin rút, khâu thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu, rất yếu, không nghiêm, dẫn đến tình trạng nhờn luật trong xã hội.

Toàn cảnh hội nghị

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành tư pháp phải thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, với vai trò “gác cửa”, thẩm tra, cần tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, một trong 3 điểm nghẽn mà Đảng đã chỉ ra (cùng với điểm nghẽn về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng).

Đáng chú ý, cần đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để nhà nước quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước.

“Nơi nào có quyền lực, nơi đó phải có giám sát, luật pháp phải theo hướng đó. Pháp luật phải kiểm soát quyền lực, khi pháp luật trao quyền cho bất cứ ai thì phải có cơ chế để kiểm soát quyền lực đó, kể cả đối với Thủ tướng”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, phải khắc phục cho được tình trạng Quốc hội lưu ý là “nay rút, mai lùi”. Làm tốt khâu thẩm định, chống lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế.

“Chúng ta không chấp nhận pháp luật được ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một bộ, ngành nào đó. Bộ Tư pháp phải rút kinh nghiệm và làm gương việc này. Không được cài cắm vào luật những nội dung không vì lợi ích chung mà vì lợi ích riêng của đơn vị, ngành hay một nhóm người nào đó. Việc này thời gian qua khá nhiều…”, Thủ tướng nói rõ.

Để pháp luật đi vào cuộc sống, trong thời đại Internet, Facebook, Zalo… Thủ tướng gợi ý, ngành Tư pháp phải đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

 “Tôi đặt câu hỏi với Bộ trưởng Long là làm thế nào để Bộ Tư pháp mạnh lên, ngành Tư pháp mạnh lên, đáp ứng đúng vai trò, vị trí của ngành? Chúng ta phải làm gì để từng cán bộ, chuyên viên ngành tư pháp cả nước phát huy được hết trí tuệ và trách nhiệm?..”, Thủ tướng bày tỏ trước khi kết thúc bài phát biểu của mình.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2016, Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 12 luật, nghị quyết (riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 luật và cho ý kiến với 3 luật khác).

Toàn ngành Tư pháp đã tổ chức thẩm định 11.885 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (tăng 24,7% so với năm 2015). Bộ Tư pháp đã thẩm định 291 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và 92 điều ước quốc tế, đặc biệt là Bộ đã đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành thẩm định đối với 50/50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, với việc đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thi hành án dân sự đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền; tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Thi hành án dân sự. Công tác hộ tịch có nhiều khởi sắc, nhất là áp dụng thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật hộ tịch, bước đầu đạt hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân…

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không nên có tâm lý buông xuôi, ỷ lại các cơ quan mới sau sắp xếp bộ máy

Không nên có tâm lý buông xuôi, ỷ lại các cơ quan mới sau sắp xếp bộ máy

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan đang được giao chủ trì soạn thảo, thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết mà trong diện dự kiến sắp xếp bộ máy cần phát huy trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ được giao đến ngày cuối cùng hoạt động.

Hương Giang

18:54 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm