Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sửa Luật BHYT, đề xuất 4 chính sách cấp bách

Hương Giang

Thứ năm, 22/08/2024 - 16:44

(Thanh tra) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý sửa Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến về sửa Luật BHYT. Ảnh: P.Thắng

Tiếp tục chương trình phiên họp 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BHYT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, chiều 22/8.

Đề xuất 4 chính sách

Đề nghị bổ sung Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày.

Theo ông Long, Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật này nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý Nhà nước về công tác BHYT.

Dự án luật được xây dựng cũng nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật BHYT hiện hành và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Phó Thủ tướng cho hay, sau 15 năm thực hiện, Luật BHYT đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, bất cập về đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng của BHYT; mức đóng BHYT; quản lý, sử dụng quỹ BHYT.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Ảnh: P.Thắng

“Luật hiện hành cũng chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về BHYT, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật”, ông Long nói.

Dự luật được đề xuất tập trung vào 4 chính sách mang tính cấp bách, gồm:

Thứ nhất, điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan.

Thứ hai, điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối Quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn

Thứ ba, điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Thứ tư, phân bổ sử dụng Quỹ BHYT hiệu quả.

“Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép bổ sung dự án luật vào chương trình, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một kỳ họp (kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV)”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu.

Mở rộng quyền lợi BHYT cần thận trọng

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay ủy ban này và các cơ quan của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của luật.

Cơ quan thẩm tra cũng nêu quan điểm về 4 chính sách. Trong đó, có chính sách điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: P.Thắng

Ở chính sách này có đề xuất giao Chính phủ nghiên cứu, đánh giá tác động đầy đủ để quy định cụ thể việc mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT hoặc thiết kế gói quyền lợi BHYT đối với các dịch vụ khám chẩn đoán để điều trị ngăn ngừa sự tiến triển của một số bệnh, quyền lợi về sử dụng một số sản phẩm dinh đưỡng điều trị đặc thù.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, do nội dung chính sách này mở rộng quyền lợi BHYT trong lĩnh vực y tế dự phòng, sử dụng một số sản phẩm dinh dưỡng điều trị đặc thù nên nếu đã làm rõ, đánh giá tác động đầy đủ thì quy định cụ thể trong luật phù hợp.

“Đây là chính sách mới việc triển khai thực hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cân đối quỹ BHYT, cần cân nhắc thận trọng để bảo đảm tính khả thi”, ông Tùng nói và cho biết, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu quy định về nguyên tắc nội dung này trong luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Với đề xuất “giao Chính phủ quy định về BHYT bổ sung khi đủ điều kiện”, theo cơ quan thẩm tra, đây là vấn đề lớn, phức tạp, cần được đánh giá kỹ lưỡng, xác định rõ mối quan hệ với BHYT thương mại, làm rõ cơ chế quản lý và hạch toán thu, chi trong tương quan với BHYT cơ bản để làm căn cứ quy định chính sách.

Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội dung này. “Trường hợp cần thiết đề nghị trước mắt quy định thực hiện thí điểm”, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nói.

Cấp bách, vẫn phải bảo đảm chất lượng

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đồng tình với quan điểm cho rằng “không còn độ lùi” với dự án luật này vì rất cấp thiết. Theo bà Thúy Anh, việc đảm bảo chất lượng, đúng quy trình để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 9 là một thách thức với cơ quan soạn thảo vì còn rất nhiều việc phải làm.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: P.Thắng

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dù cấp bách, khẩn trương nhưng phải đảm bảo chất lượng.

Ông cũng băn khoăn khi đánh giá Luật BHYT hiện hành có đến 120 bất cập, vướng mắc, nhưng lần trình này Chính phủ chỉ đề xuất sửa một số nội dung cấp bách.

“Bộ Y tế, Chính phủ có làm được hay không? Còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng họp để xem xét”, ông Trần Thanh Mẫn nói và đề nghị các cơ quan phải thật sự quyết tâm, quyết liệt và nỗ lực thực hiện thì mới kịp.

Để tạo điều kiện cho Chính phủ, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, trước mắt cho “kéo pháo vào”, đến thời điểm phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà chưa đạt thì phải “kéo pháo ra”. Bên cạnh tuân thủ quy trình, theo ông Phương, các cơ quan cần “tác chiến song song” để đảm bảo hoàn thành đúng thời hạn.

Sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đồng ý bổ sung Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội thông qua tại 1 kỳ họp (kỳ họp 8, dự kiến khai mạc vào tháng 10 tới).

Ủy ban Xã hội được giao chủ trì thẩm tra, cùng các cơ quan sau phiên họp này tham gia ngay từ đầu để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2024.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Bình: Trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề cử tri quan tâm

Ninh Bình: Trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề cử tri quan tâm

(Thanh tra) - Chiều ngày 3/12/2024, tại Kỳ họp thứ 26, HĐND tỉnh Ninh Bình khoá XV đã tiến hành phiên chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm là công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

Trung Hà

20:40 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm