Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Số liệu thống kê vênh nhau: Bệnh thành tích vẫn còn nặng nề!

Thứ tư, 04/11/2015 - 15:06

Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) bao gồm 8 chương, 57 điều (tăng 15 điều so với luật cũ), trong đó giữ nguyên 6 điều, 26 điều mới, 25 điều sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với thực tế, bãi bỏ 6 điều.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, góp ý kiến cho dự luật trên là độ chính xác của các số liệu thống kê được công bố, cũng như trách nhiệm của cơ quan thống kê khi tiến hành thu thập, đánh giá các số liệu.

Tại phiên thảo luận ở hội trường Về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) sáng nay (4/11), VietnamPlus đã tổng hợp lại một số ý kiến nổi bật của các đại biểu khi góp ý cho dự luật trên.

Đại biểu Nguyễn Văn Giàu (Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của quốc hội): Trong thời gian qua có sự chênh lệch số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương. 

Nguyên nhân chủ yếu do chưa quy định chặt chẽ về nội dung, phương pháp tính, nguồn số liệu của các chỉ tiêu thống kê; thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp, sản xuất, sử dụng thông tin thống kê; thẩm quyền điều phối của cơ quan thống kê trung ương; về ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông, cùng với việc thực thi Luật chưa nghiêm, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh.

Để khắc phục tình trạng trên, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định cụ thể trách nhiệm về hệ thống thông tin thống kê nhà nước, hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hoạt động thống kê từ khâu thu thập các dữ liệu hành chính, tổng hợp, xử lý, công bố thông tin thống kê và thống nhất về khái niệm, nội dung, phương pháp tính. 

Đại biểu Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Số liệu thống kê chưa chính xác được, ai cũng biết, nhưng cũng không phải bị méo mó, bóp méo và đã hội nhập rất tốt với quốc tế. Vấn đề ở đây là phương pháp tính toán thế nào? Nhưng phải khẳng định khi có phương pháp mới, Tổng cục Thống kê đều áp dụng theo.

Ở các nước khi có sự kiện nào cũng dự báo nhưng trong một thời gian ngắn thậm chí sẽ rút đi, trong khi ở Việt Nam nhiều vấn đề dự báo cả năm trời như Chỉ số tiêu dùng (CPI) nên rất khó chính xác hoặc việc giá dầu giảm sâu cũng không ai lường trước được, tất cả các vấn đề đó đã tác động trực tiếp đến việc điều hành kinh tế của Việt Nam.

Không ai có quyền ngăn cản các đơn vị tự làm thống kê nhưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu của mình khi công bố. Tuy nhiên, cần phải thấy, số liệu chỉ để cho ngành hoặc tỉnh công bố thì chắc chắn sẽ vênh nhau, bệnh thành tích vẫn còn nặng nề.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Số liệu thống kê do cơ quan Trung ương tiến hành kiểm tra, công bố trong dự thảo luật vẫn chưa quy định cơ quan nào tiến hành thẩm định, đánh giá về chất lượng của thống kê này, liệu số liệu thống kê của cơ quan Trung ương có hoàn toàn chính xác và không cần có đánh giá, thẩm định?

Hàng năm nhận được rất nhiều số liệu điều tra, công bố nhưng dư luận của người dân vẫn rất băn khoăn, ví dụ như chỉ tiêu về trách nhiệm, chỉ tiêu về GDP, số liệu các doanh nghiệp đăng ký hoạt động, nộp thuế... hoặc có số liệu thống kê chưa chính xác nhưng vẫn phải dùng, do vậy cần quy định Hội đồng tư vấn về chính sách quốc gia phải đánh giá thông tin về thống kê.

Theo tôi Chủ tịch Hội đồng có thể do Thủ tướng Chính phủ quyết định có chức năng tư vấn giúp Chính phủ chính sách, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thống kê và không có chức năng quản lý nhà nước. Hội đồng không có chức năng quản lý nên không làm tăng biên chế, bộ máy.

- Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): Hoạt động thống kê có vai trò hết sức quan trọng nhằm giúp Quốc hội và Chính phủ hoạch định các chính sách do vậy yêu cầu số liệu thống kê phải chất lượng và chính xác. 

Để khắc phục tình trạng làm đẹp con số, chạy theo thành tích, ngoài các nguyên tắc cơ bản đã ghi trong luật thì cần phải có những tiêu chuẩn riêng. Hệ thống tổ chức thống kê nhà nước và con người làm thống kê cần được nâng cao trách nhiệm, đảm bảo mối quan hệ mang tính pháp lý và chuẩn hóa về luật đối với người làm thống kê, chứ không được ghi chung chung.

Theo NHÓM PV/VIETNAM+

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm