Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Sẽ giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới 10 năm để hưởng lương hưu

Hương Giang

Thứ tư, 27/10/2021 - 21:52

(Thanh tra) - Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng; sửa đổi thời gian đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới 10 năm.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Người lao động tiêu hết “của để dành” gia tăng

Từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh BHXH có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là một trong những trụ cột an sinh xã hội của quốc gia.

Song ông lo lắng khi số người hưởng BHXH một lần tăng cao, ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển BHXH. Bởi theo số liệu thống kê, năm 2020, có 860.741 người hưởng BHXH một lần tăng 53.652 người (tăng 6,65%) so với năm 2019.

Nhấn mạnh việc hưởng BHXH một lần là nhu cầu thực tế của người lao động, nhưng theo ông Sơn, BHXH như “của để dành”.

“Nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tạo áp lực lên xã hội và gia đình”, ông Sơn nhận định và lưu ý, nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Ảnh: Đ.X

Vẫn theo đại biểu Sơn, qua phân tích số người hưởng BHXH một lần thì đa số là lao động trẻ, nhu cầu về chi tiêu tài chính lớn nên họ không tính đến việc cần tích lũy đóng BHXH đủ 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng lương hưu vì “thời gian quá dài”.

“Khi nghỉ việc họ sẽ nghĩ ngay đến việc hưởng BHXH một lần để giải quyết nhu cầu về tài chính trước mắt”, ông Sơn thông tin.

Cần sửa điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu

Từ thực trạng trên, đại biểu Sơn đề nghị sớm sửa Luật BHXH, thực hiện các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 28 của Trung ương. Trong đó, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần.

Cùng với đó, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ…

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, BHXH, BHYT là hai chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

Theo ông, việc đảm bảo an toàn và tăng trưởng bền vững hai quỹ này thời gian qua được Chính phủ và ngành BHXH đặc biệt quan tâm, đạt được kết quả tích cực.  Cụ thể, trong năm 2020 có 16,176 triệu người tham gia (tăng gần 400 nghìn người so với năm 2019).

Để thực hiện tốt mục tiêu mà Nghị quyết 28 của Trung ương đã đề ra, ông Hải Anh nhấn mạnh, cần có những giải pháp cả về chính sách và tổ chức thực hiện một cách mạnh mẽ để gia tăng người tham gia BHXH tự nguyện, bởi dư địa khu vực này còn rất lớn.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Đ.X

“Trong thời gian tới cần xem xét điều chỉnh rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia, nhất là có những phương thức và cách tính tạo sự hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều người tham gia BHXH tự nguyện” đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu.

Sửa đổi căn cơ luật, phát triển hệ thống BHXH đa tầng

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, BHXH Việt Nam dù non trẻ, bắt đầu từ năm 1995 song đến nay đã có bước phát triển tương đối nhanh và cơ bản đáp ứng, phù hợp với thông lệ quốc tế.

“Quỹ bảo BHXH đã thực sự trở thành quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước có quy mô lớn nhất”, Bộ trưởng Dung nói. Theo ông, nếu năm 1998 - năm đầu quỹ kết dư mới có 7.500 tỷ đồng thì đến hết năm 2020, quy mô quỹ đã tăng gấp 120 lần, tức là kết dư gần 1 triệu tỷ đồng.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, ông Dung cho hay, thời gian tới, Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các cơ quan sẽ tập trung, khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi một cách căn cơ Luật BHXH, Luật Việc làm.

“Dự kiến cuối tháng 10 này phiên họp Chính phủ sẽ bàn về nội dung Luật BHXH sửa đổi”, ông Đào Ngọc Dung thông tin.

Về thể chế hóa Nghị quyết 28 của Trung ương, theo Bộ trưởng, có một số nội dung đã tiến hành rồi như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với ngân sách Nhà nước.

“Tới đây sẽ tập trung giải quyết 1 số vấn đề cơ bản như phát triển hệ thống BHXH đa tầng, sửa đổi thời gian giảm đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới 10 năm”, ông Dung cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh phải đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng; điều chỉnh chính sách hưởng BHXH 1 lần; phát triển tham gia BHXH của lực lượng lao động phi chính thức; xây dựng chính sách hấp dẫn người lao động tham gia BHXH…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm