Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quân đội không làm kinh tế đơn thuần

Thứ ba, 14/11/2017 - 16:05

(Thanh tra) - Sáng 14/11, Quốc hội thảo luận tại tổ dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng cùng ngày, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng trong phát triển kinh tế - xã hội là bất di, bất dịch. Nhưng quân đội không làm kinh tế đơn thuần.

Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tất cả các dự án lớn của quốc gia đều phải kết hợp kinh tế - quốc phòng. Tuy nhiên, các dự án đều phải thông qua thẩm định theo phân cấp cụ thể từ huyện, tỉnh đến cấp bộ.

Quân đội có 88 doanh nghiệp. Trong đề án đổi mới doanh nghiệp và đề án cổ phần hóa, quân đội đã công bố rõ là chỉ còn 17 doanh nghiệp vốn Nhà nước.

“Số doanh nghiệp còn lại, tập trung củng cố, anh nào có điều kiện phát triển tốt thì tiến hành cổ phần, anh nào yếu kém, không làm được thì giải tán. Quan điểm rất rõ ràng”, Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, “về lâu, về dài những doanh nghiệp làm kinh tế đơn thuần, không có yếu tố quốc phòng thì dứt khoát là nghỉ”.

Trước đó vào tháng 6/2017, dư luận phản ánh thông tin Thượng tướng Lê Chiêm cho rằng, đã có chủ trương quân đội sẽ không làm kinh tế, mà chỉ tập trung cho xây dựng quân đội chính quy hiện đại. Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, cách hiểu đó không đúng ý của ông.

“Tôi nói là quân đội không làm kinh tế đơn thuần. Ví dụ, ông làm kinh tế mà vi phạm luật pháp, vi phạm quy định của quân đội thì phải xử lý nghiêm túc và cương quyết giải thể”, Thượng tướng Lê Chiêm nhấn mạnh.

Làm mương nước, có chiến sự thành đường hành quân

Thảo luận tại tổ, góp ý vào dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn về kinh tế quốc phòng.

Theo ông, trong nghị quyết Đảng đã nói những gì lực lượng vũ trang không cần thiết chuyển sang các bộ, ngành khác quản lý, dân sự hoá.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)

“Đề nghị lực lượng vũ trang không làm kinh tế thuần tuý vì lợi ích, lợi nhuận hoặc kinh doanh những điều không phục vụ cho lợi ích quốc phòng. Ví dụ như kinh doanh khách sạn, xây nhà ở để bán... thì chẳng phục vụ gì cho quốc phòng. Toàn dân, Đảng và Nhà nước có trách nhiệm chịu mọi kinh phí cho quân đội hoạt động”, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

ĐB Quốc hội Đoàn TP Hồ Chí Minh đề nghị, đưa vào nguyên tắc, bộ đội vũ trang không làm kinh tế thuần tuý hoặc không làm các ngành nghề không phục vụ hoạt động quốc phòng. Từ đó, tăng cường sức mạnh quốc phòng, không phân tán nguồn lực, xây dựng niềm tin, tình cảm của nhân dân với bộ đội, quốc phòng.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 cho rằng, bộ đội làm kinh tế, kết hợp kinh tế với quốc phòng là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chứ không riêng quân đội.

“Phải học tập ông bạn bên cạnh của chúng ta. Lúc tôi còn nhỏ, phía bên kia người ta làm 1 cái mương thủy lợi, chắc phải 40-50 chục cây số vào vùng bình thường không có nước, để cung cấp nước cho vùng này. Khi có chiến sự xảy ra, toàn bộ mương đó người ta tháo nước thành mương cạn, thành đường hành quân, rất là khó đánh chứ không phải đơn giản”, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nêu.

Theo ông, vấn đề này phải nghĩ về lâu dài vì kinh tế mạnh, quốc phòng mới mạnh, còn kinh tế yếu kém, quốc phòng cũng yếu kém.

“Phòng thủ chứ không phải đi tấn công, xâm lược”

Nhấn mạnh cần thiết phải sửa đổi Luật Quốc phòng, ĐB Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) lại băn khoăn quy định “không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trước trong quan hệ quốc tế” tại khoản 3, Điều 4 dự thảo.

“Xưa có khi tấn công là phòng thủ. Ngày xưa, cụ Lý Thường Kiệt đánh sang thành Ung Châu khi thấy nguy cơ xâm lược đã rõ ràng vì thấy có tập kết quân ở đấy. Cụ kéo quân sang đánh một phát, phá tan ý đồ xâm lược”, ông Tám dẫn chứng.

Theo ông Tám, với quy định trên, có khi chúng ta “hoàn toàn bị động trong phòng thủ”, “không kịp trở tay”.

Nên chăng quy định “không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”, không nên quy định “trước”, trước hay sau phải phụ thuộc vào tình hình cụ thể. Khi tình thế cấp bách thì mình xử lý, quyết định có đánh trước hay đánh sau.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò giải thích, quy định như vậy là phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.

“Các mối quan hệ quốc tế bây giờ dù rất căng thẳng thì vẫn dùng từ hòa bình chứ không phải dùng từ chiến tranh. Mình quy định cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Đường lối quốc phòng, quân sự của chúng ta là quốc phòng phòng thủ chứ không phải đi tấn công, xâm lược các nước. Và chúng ta cũng không cho các nước sử dụng lãnh thổ của chúng ta đi tấn công nước thứ ba”, Phó Tư lệnh Quân khu 2 nói.

Theo Tướng Sùng Thìn Cò, chúng ta giữ quan điểm kiềm chế, không mắc mưu khiêu khích của kẻ thù nhưng kiên quyết, mềm dẻo. 

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm