Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô năm 2024 đến cán bộ, đảng viên, công chức

Thứ sáu, 11/10/2024 - 11:07

(Thanh tra) - Sáng 11/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu thành phố đến các sở, ban, ngành (30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn) để phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 đến cán bộ, đảng viên, công chức trên địa bàn.

Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô 2024 đến cán bộ, đảng viên, công chức trên địa bàn thành phố. Ảnh: IT

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trong đó có 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025. Đây là đạo luật rất quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội, quy định rõ hơn về vị trí, vai trò của Thủ đô và những cơ chế, chính sách đặc thù trong việc xây dựng, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Qua đó, tạo thể chế thuận lợi, mở đường, khơi thông mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại theo Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương đã chỉ đạo sát sao, định hướng các cơ chế, chính sách lớn cho việc triển khai xây dựng Luật Thủ đô cũng như đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí đã ủng hộ và tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho việc xây dựng, hoàn thiện Luật Thủ đô.

Sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch, văn bản để chỉ đạo triển khai thi hành Luật Thủ đô. Cụ thể là tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô; xây dựng các văn bản để tổ chức thi hành luật; rà soát hệ thống văn bản của thành phố và theo dõi việc thi hành pháp luật và rất nhiều nhiệm vụ khác có liên quan.

Khối lượng công việc cần triển khai thực hiện là rất lớn và phức tạp, do Luật Thủ đô có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, nhiều quy định mới so với hệ thống pháp luật hiện hành. Từ đó yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của thành phố phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, tinh thần của Luật Thủ đô; hiểu rõ được các quy định cụ thể cũng như mối quan hệ giữa các quy định của Luật Thủ đô trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật.

Do đó, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thủ đô nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hội nghị còn là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11/2024)”.

Theo đó, các các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của thành phố cần hiểu rõ, nắm vững hơn những tư tưởng, quan điểm cũng như các quy định cụ thể của Luật Thủ đô; qua đó giúp thành phố triển khai thi hành luật một cách đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả theo đúng kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, là người trực tiếp chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Luật Thủ đô đã trao đổi, phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Thủ đô năm 2024, cập nhật thêm mới từ thực tiễn ảnh hưởng đến luật.

Nhân dịp này, UBND thành phố đã khen thưởng 36 tập thể, 79 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, xây dựng, ban hành Luật Thủ đô năm 2024.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm