Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 04/11/2016 - 06:26
(Thanh tra)- Ngày 3/11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tình hình kinh tế - xã hội. Từ nghị trường các đại biểu (ĐB) QH “mổ xẻ” những câu chuyện “trên đã rải thảm nhưng dưới chưa rút hết đinh”, “nâng niu hồ sơ hay tìm cớ nhũng nhiễu”, “Chính phủ, Thủ tướng quyết liệt hành động nhưng cấp dưới chưa đồng hành”…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường (ĐBQH tỉnh Quảng Nam)
Hạn chế chủ nghĩa cá nhân và lòng tham
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH rất hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang hết sức quyết liệt, kể cả lời nói và hành động.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường (ĐBQH tỉnh Quảng Nam) lưu ý: “Sự chuyển động của cấp dưới chưa quyết liệt, chưa đồng hành cùng với Chính phủ nên chưa tạo ra động lực cho sự phát triển, làm cho các chỉ tiêu kinh tế chúng ta phấn đấu đạt nhưng chưa được cao”.
Theo ĐBQH tỉnh Quảng Nam, bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở vẫn còn cồng kềnh. Đội ngũ cán bộ, công chức đông nhưng chưa mạnh. Nhiều ngành công vụ kém hiệu quả, chất lượng phục vụ nhân dân có nơi còn hạn chế, thủ tục hành chính chúng ta đặt ra rườm rà nhưng bảo thủ không chịu cắt bỏ.
“Một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng, thích ban ơn, có những việc làm có thể giải quyết ngay trong 1 ngày nhưng có thể kéo đến 1 tuần, 10 ngày, thậm chí nhiều tháng liền”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nói và lưu ý: “Đây là những trở ngại rất lớn khiến nhân dân than phiền, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất lo ngại”.
Còn Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Dương Văn Thống cho biết, về tổng thể bộ máy hiện rất cồng kềnh, “áng chừng so với 20, 30 năm trước nhiều hơn khoảng 20% trở lên”. Trong khi đó, không ít bộ phận không còn cần thiết cho công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành. Các ban chỉ đạo cũng được thành lập quá nhiều, thực sự không cần thiết.
“Tôi làm trưởng ban chỉ đạo, Trung ương xoá 1 ban, chúng tôi cũng xoá luôn 1 ban, còn 2 ban nữa, nếu có thẩm quyền tôi cũng đề nghị xóa luôn”, ông Thống nói và lấy ví dụ Yên Bái, có khoảng 17.200 người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách 1.100 tỷ đồng trong tổng chi thường xuyên hơn 4.000 tỷ đồng. Đó mới là chi cho bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể đến cơ sở thôn bản, chưa tính chi sự nghiệp y tế, giáo dục.
Điều đáng lo ngại, theo ông Thống, không chỉ là sự cồng kềnh của bộ máy mà còn ở chất lượng một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức yếu kém, “đó là sự thật và nguy cơ”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Dương Văn Thống
“Nếu chúng ta rà soát, sửa đổi tổng thể bộ máy hệ thống hợp lý hơn, ít tổ chức đầu mối hơn, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ kiên quyết hơn, yêu cầu thực thi đúng luật pháp, chính sách gắn với rèn đạo đức, phong cách, lối sống trong sạch vì dân thì sẽ hạn chế chủ nghĩa cá nhân và lòng tham”, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.
Từ đó, ông Thống đề nghị, lập cơ quan lâm thời của Trung ương để trong vòng 1 - 2 năm thiết kế tổng thể rà soát lại toàn bộ máy; thường xuyên tập trung kiểm tra, thanh tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ trong đó có sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế và người đứng đầu cơ quan, tổ chức địa phương về công tác cán bộ, đạo đức, lối sống…
“Muốn làm được thì cấp trên phải làm trước và cấp trên phải ít khuyết điểm hơn cấp dưới. Cán bộ liêm chính thì Chính phủ và bộ máy Nhà nước của chúng ta mới liêm chính”, Phó Bí thư tỉnh Yên Bái chốt lại.
“Trên nóng, dưới lạnh”
Trong khi đó, ĐB Hoàng Văn Trà (Phú Yên) tâm tư, “sự chuyển động của hệ thống bộ máy công quyền hết sức chậm chạp. Chúng tôi thường nói “trên nóng, dưới lạnh” và “trên đã rải thảm nhưng dưới chưa rút hết đinh”.
ĐB Hoàng Văn Trà (Phú Yên)
“Cái bánh ngân sách của chúng ta đang rất nhỏ! Phải làm sao để làm cho cái bánh ngân sách của chúng ta ngày một to lên? Chính phủ cần yêu cầu, khuyến khích, động viên mạnh mẽ hơn nữa tính chủ động quyết liệt dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành ở địa phương”, ĐB tỉnh Phú Yên nêu.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc bố trí, sắp xếp phân công không ít cán bộ trong các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp không phù hợp với năng lực, trình độ, kinh nghiệm, sở trường. Một số cán bộ, công chức không yếu về năng lực, trình độ, nhưng lại kém về phẩm chất đạo đức và tinh thần trách nhiệm.
“Thử hỏi cả nước có bao nhiêu phần trăm công chức các cấp khi cầm trên tay hồ sơ hành chính của cá nhân, của công dân, của doanh nghiệp, của tổ chức thực sự nâng niu, trân trọng và thấy đó là trách nhiệm của mình? Liệu có bao nhiêu trong họ thường trực một tâm niệm phải tham mưu, phải xử lý thật nhanh, thật đúng? Hay họ tìm cớ gây ra đủ khó khăn để nhũng nhiễu, làm cho doanh nghiệp và công dân ngại ngần, sợ hãi khi phải tiếp cận các thủ tục hành chính của Nhà nước”.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu
Đây là vấn đề không phải cá biệt ở các cấp, ngành và các địa phương. QH, Chính phủ có thể không có con số thống kê nhưng công dân, doanh nghiệp không làm nhiệm vụ thống kê, thậm chí không hiểu biết về khoa học thống kê lại có những con số khá chính xác về thực trạng này.
Chính vì vậy, các ĐBQH đề nghị, quyết liệt hơn trong kiện toàn sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức tinh gọn vừa hồng, vừa chuyên; đồng thời sẵn sàng thay thế những cán bộ phẩm chất năng lực yếu, hạn chế và không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ… theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.
Hương Giang
23:28 11/12/2024(Thanh tra) - Sau khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Kinh tế, Tài chính dự kiến sẽ giảm được 22 đầu mối, không còn tổng cục.
Hương Giang
23:23 11/12/2024Trung Hà
21:14 11/12/2024Bùi Bình
21:07 11/12/2024Bùi Bình
20:49 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà