Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 19/09/2019 - 20:56
(Thanh tra)- “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Ảnh: HG
Ngày 19/9, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Theo dự thảo báo cáo trình ra Đại hội, với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, nhiệm kỳ 2019 - 2024, MTTQ xác định 5 chương trình hành động trọng tâm.
Trong đó, có chương trình “thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh”.
“Giám sát, phản biện nếu không có bản lĩnh thì không thể làm nổi”
Góp ý vào dự thảo báo cáo, GS.TS. Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ, chức năng mới và được Hiến pháp 2013 thể chế hóa.
“Giám sát và phản biện xã hội là một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước từ phía nhân dân mà Hiến pháp năm 2013 tạo ra. Một cơ chế kiểm soát từ bên ngoài đối với việc thực hiện quyền lực Nhà nước”, GS Đường nói.
Với nhận thức đó, những năm qua, Hội đồng tư vấn dân chủ, pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ với 18 thành viên do ông làm Chủ nhiệm đã làm được một số việc như phản biện dự án Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đặc khu, có tác dụng nhất định đối với các cơ quan lập pháp.
Nhưng “giám sát, phản biện nếu không có bản lĩnh thì không thể làm nổi vì nó động tới lợi ích”, GS Đường nói và thẳng thắn cho rằng, việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận vẫn chưa tương xứng với những gì Hiến pháp quy định.
Trong khi, nếu không phát huy được vai trò giám sát phản biện với tư cách một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước sẽ khó góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phát huy dân chủ, phát huy quyền lực của nhân dân.
Để thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát, phản biện xã hội, theo GS Đường, cần tiếp tục hoàn thiện hơn cơ chế kiểm soát quyền lực từ phía nhân dân tức là từ phía MTTQ; tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp mà Hiến pháp đã quy định.
GS Đường còn đề nghị, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tiếp thu những phản biện của MTTQ. Bởi “hiện nay, phản biện xong rồi thì kết quả thế nào, các đối tượng giám sát không trả lời, không phản biện trở lại làm cho tác dụng của việc phản biện chưa rõ”.
“Chúng tôi mong muốn là tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý mà như trong báo cáo chính trị trình ra Đại hội có đề xuất là phải xây dựng Luật Giám sát phản biện xã hội của nhân dân. Hiện nay, Luật MTTQ Việt Nam có 2 chương, mỗi chương có 5 - 6 điều thì chưa đầy đủ, chưa thể hiện hết”, GS Đường nói.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cũng kiến nghị cần quy định rõ việc xử lý sau giám sát cũng như tiếp thu ý kiến phản biện của MTTQ trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật.
Trong khi đó, mục sư Nguyễn Thế Hiển (đoàn MTTQ TP Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn rất lớn khi thế hệ trẻ tài năng phát triển nhưng đạo đức xã hội lại đi xuống. “Bên cạnh mặt mạnh, đất nước vẫn còn những tảng băng chìm của các tệ nạn xã hội. Vì vậy, chúng ta phải đoàn kết, chung tay nhiều hơn nữa, nếu không nó sẽ khỏa lấp những gì đang có”, ông Hiển nhấn mạnh.
Cho rằng, “hoa thơm nhờ nhụy, con người có giá trị nhờ đạo đức”, theo mục sư Hiển, cần phát huy dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, nói lên tiếng nói của người dân, “đi sát với dân” chứ không chỉ ngồi nghe báo cáo.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các tổ chức thành viên của MTTQ tham dự Đại hội. Ảnh: HG
“Mặt trận phải là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói của mình”
Tại Đại hội, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, MTTQ đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giám sát, phản biện xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội…
“Trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, MTTQ Việt Nam ngày càng hướng mạnh về cơ sở, theo phương châm gần dân, sát dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân để kịp thời phản ánh với Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng phát biểu và cho rằng, những kết quả đạt được đã góp phần không ngừng tăng cường, tạo động lực, sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân.
Đi cùng với những thành tích đạt được, công tác Mặt trận còn những hạn chế, bất cập, như vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận còn hạn chế. Hoạt động của Uỷ ban MTTQ ở một số nơi chậm đổi mới, kém hiệu quả; chưa khắc phục được tình trạng hành chính hoá.
Trong bài phát biểu, đề cập đến 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra, cũng như tình hình thế giới và trong nước, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của MTTQ là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng đề nghị.
Đáng chú ý, theo Thủ tướng, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó, phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận.
“Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, "lợi ích nhóm", tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài đề nghị Mặt trận cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với nhân dân, Thủ tướng cũng bày tỏ: "Đảng và Nhà nước cũng mong muốn nhận được nhiều hơn những ý kiến đề xuất, góp ý xuất phát từ nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam để Đảng, Nhà nước tiếp thu và hoàn thiện chủ trương, đường lối và phương thức lãnh đạo của mình".
Theo nhận định của Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, đất nước dù có bước phát triển, nhưng còn nhiều khó khăn, hạn chế và còn những vấn đề nhân dân chưa hài lòng. “MTTQ Việt Nam cần nhận diện đầy đủ, sâu sắc những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức của đất nước để xác định nhiệm vụ trọng tâm, khơi dậy mọi tiềm năng, phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực nội sinh của đất nước; tăng cường sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; tạo sự đồng thuận xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân; góp phần tích cực đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam”, ông Mẫn nhấn mạnh. |
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền