Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kiểm soát chặt giá các mặt hàng thiết yếu, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới

Hương Giang

Thứ hai, 14/03/2022 - 22:26

(Thanh tra) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Đ.X

Trước tình hình vừa qua, nhất là những ngày gần đây, giá cả một số mặt hàng trong nước tăng, do giá xăng dầu thế giới tăng, chiều 14/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp với một số bộ ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu (xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, sắt thép, phân bón, nông sản, dịch vụ vật tư y tế...).

Giá xăng dầu diễn ra quá nhanh, nằm ngoài dự đoán

Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, giá dầu thế giới đã có dấu hiệu chững lại trong vài ngày gần đây.

Song căng thẳng địa chính trị tiếp tục biến động nhanh, khó lường, phần lớn các tổ chức đều đưa ra nhận định giá dầu có thể tiếp tục ở mức cao từ 110-130 USD/thùng, không loại trừ khả năng lên mức 150 USD/thùng.

Nhấn mạnh xăng dầu trong nước hiện chịu áp lực lớn về nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng và diễn biến giá thế giới, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương sử dụng Quỹ Bình ổn giá hợp lý, linh hoạt; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...

Xăng dầu trong nước tăng giá cũng tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ. Hiện các doanh nghiệp vận tải đều đang tính toán để tăng giá cước.

Vì vậy, theo Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải có hướng dẫn, chỉ đạo để đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá.

Bộ Tài chính cũng đưa ra một số kiến nghị với công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như: LPG; xi măng; thịt lợn; phân bón urê; gạo; giá dịch vụ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, giá vật tư, trang thiết bị y tế…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn. Ảnh: Đ.X

Đánh giá về diễn biến giá cả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, vừa qua sự thay đổi không tích cực, nhất là giá xăng dầu diễn ra quá nhanh, nằm ngoài dự đoán của chúng ta.

Theo ông Hải, từ đầu năm 2022 đến nay, nhờ có Quỹ Bình ổn nên đã kìm được mức tăng của giá xăng dầu trong nước so với thế giới. Nếu như giá xăng dầu thế giới biến động từ 44-60% (tùy mặt hàng) thì ở Việt Nam chỉ biến động trên 20-39%.

Về công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, trong tháng 3 cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Nếu không có diễn biến quá bất thường thì vẫn đảm bảo được nguồn cung trong quy II. Bộ sẽ tiếp tục bàn bạc với các nhà sản xuất xăng dầu trong nước để có biện pháp phù hợp đáp ứng nguồn cung trong quý III.

Ông Hải đề nghị, các bộ ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để điều hành giá các mặt hàng thiết yếu.

Đồng tình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng, các mặt hàng năng lượng (xăng, dầu, than) có tác động rất sâu rộng. Vì vậy, các bộ, ngành phải chủ động, xây dựng các kịch bản xấu nhất, phối hợp chặt chẽ để có biện pháp ứng phó hiệu quả.

Giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu sẽ thấp hơn các nước

Kết luận, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, sức ép từ biến động giá xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu trên thị trường thế giới, cũng như những chính sách tiền tệ, tài khóa của các nước đang gây áp lực lớn với công tác điều hành giá ở trong nước.

“Chúng ta không được chủ quan”, Phó Thủ tướng nói rõ và yêu cầu, thực hiện tốt các giải pháp điều hành giá trong tháng 3 và quý II/2022, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp điều hành giá.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp với một số bộ ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu (xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, sắt thép, phân bón, nông sản, dịch vụ vật tư y tế...). Ảnh: Đ.X

Các bộ ngành tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, tác động của cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine đối giá cả xăng dầu thế giới và các mặt hàng thiết yếu để đề ra các kịch bản ứng phó phù hợp.

Với điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng nói, thời gian qua, Quỹ Bình ổn đã chi để kìm tốc độ tăng giá xăng dầu nhiều nên dư địa để điều chỉnh không còn.

Trên cơ sở đề xuất của liên bộ Tài chính - Công Thương, Chính phủ đã thông qua nghị quyết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng, dầu.

Nếu được thông qua, sẽ điều hành xăng dầu theo giá cơ sở mới từ tháng 1/4/2022. Khi đó, giá xăng dầu của chúng ta sẽ thấp hơn các nước xung quanh.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.

Với các mặt hàng thiết yếu khác như: LPG; thép xây dựng, xi măng; dịch vụ vận tải; thức ăn chăn nuôi, thịt lợn, gạo; vật tư trang thiết bị y tế… thì phải kiểm soát chặt chẽ giá theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Phó Thủ tướng, với các mặt hàng Nhà nước định giá, trước mắt không xem xét tăng giá, đặc biệt là các dịch vụ công. Còn mặt hàng Nhà nước không định giá thì kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá; kiểm tra chặt chẽ những trường hợp có dấu hiệu bất thường; xử lý nghiêm các trường hợp “găm hàng” để trục lợi trái luật.

Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu phải theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá đúng tình hình để đảm bảo đủ nguồn cung từng mặt hàng cụ thể.

“Không để xảy ra tình trạng, nguồn cung không thiếu, nhưng cung cấp hàng hóa ra thị trường không kịp thời dẫn đến giá cả biến động. Dư luận phản ứng”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành điều hành linh hoạt, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, không gây tác động tiêu cực đối với kiểm soát giá.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm