Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 05/05/2016 - 23:34
(Thanh tra)- Chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 4 trong 2 ngày (4 - 5/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phải chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo, phục vụ, không được trở thành gánh nặng của người dân, doanh nghiệp (DN), phấn đấu tăng trưởng 6,7%, kiểm soát lạm phát, quyết không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ…
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng liên tục
Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ đánh giá, 4 tháng đầu năm kinh tế vĩ mô vẫn cơ bản ổn định. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ cấu xuất nhập khẩu có chuyển biến, xuất siêu 1,46 tỷ USD; khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao so với cùng kỳ. “Nhất là, đã có gần 35.000 DN thành lập mới với số vốn trên 248.000 tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ về số DN (cùng kỳ chỉ tăng 9,7%) và tăng hơn 50% về số vốn đăng ký (cùng kỳ tăng 13,3%). Đây là bước chuyển mạnh mẽ nhờ tác động của việc thực thi Luật DN, Luật Đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tăng trưởng kinh tế quý I thấp hơn cùng kỳ năm trước (5,46% so với 6,12%); chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng liên tục trong 4 tháng đầu năm; tháng 4 tăng 1,33%, so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,89%; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng và sự cố môi trường khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung… đang tác động xấu đến hoạt động sản xuất, du lịch, đời sống nhân dân…
Trong khi đó, việc quản lý, điều hành chưa thực sự tuân thủ nguyên tắc của kinh tế thị trường; biểu hiện chấp hành pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương đất nước còn lơi lỏng, nhất là trong cơ quan hành chính Nhà nước. Tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu còn nặng nề; việc xây dựng thể chế còn bất cập…
Gỡ khó cho DN
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, vấn đề đặt ra phải triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để DN trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước. Cùng quan điểm sau khi loại trừ những yếu tố khác, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận xét, địa phương nào đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi cơ chế, chính sách thông thoáng thì đều thu hút đầu tư rất mạnh, phát triển nhanh.
Các thành viên Chính phủ đều cho rằng, cần phải triển khai đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát các quy định của pháp luật để loại bỏ sự chồng chéo, thiếu thống nhất. “Cơ chế một cửa, Bộ trưởng, Thứ trưởng rất quyết liệt, Vụ trưởng, Cục trưởng cũng quyết liệt, nhưng tới chuyên viên thì chưa chắc, tuy đã điện tử hóa nhưng lại vẽ ra thủ tục, giấy tờ này khác làm khó DN. Đồng thời, phải làm sao loại bỏ được các loại giấy phép con trong đầu tư kinh doanh, tôi nhìn các loại giấy phép khi mở DN vẫn thấy còn rất khó khăn”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lưu ý thêm, cần ban hành kịp thời các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo yêu cầu của Luật Đầu tư, Luật DN. “Điều này cực kỳ quan trọng để bảo đảm lòng tin của DN, của người dân. Nếu tháo gỡ được những vướng mắc về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ tạo hành lanh pháp lý rất tốt cho DN đầu tư”.
Chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo, phục vụ
Sau khi nghe thảo luận, Thủ tướng nhấn mạnh, phương thức chỉ đạo, điều hành của Chính phủ phải chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo, phục vụ, không được trở thành gánh nặng của người dân, DN, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
"Cần phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước và chức năng thị trường, hạn chế, tiến tới xoá bỏ cơ chế xin - cho. Cái gì thị trường làm được thì để thị trường làm, Chính phủ tập trung vào công tác xây dựng thể chế, chính sách, tạo môi trường cho đầu tư kinh doanh phát triển”, Thủ tướng nói.
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chính phủ quyết không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016, quyết tâm phấn đấu tăng trưởng 6,7%, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; hỗ trợ, trợ giúp kịp thời người dân khắc phục thiên tai, không để người dân đói, khát, bởi “có dân là có tất cả. Không có dân là không thành công”.
Thủ tướng yêu cầu, tăng cường chống thất thu, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả nợ công, không để vượt trần; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản; đánh giá tình hình thực hiện các cam kết quốc tế, đề xuất giải pháp; điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế với mức độ và thời điểm phù hợp, không để tác động mạnh đến lạm phát.
Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc; đơn giản, công khai thủ tục hành chính; loại bỏ giấy phép con không phù hợp; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển theo tinh thần của Luật Đầu tư, Luật DN mới…
“Chính phủ tôn vinh DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn để DN phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng khẳng định và lưu ý, mỗi cán bộ, công chức phải biến chủ trương, chính sách thành hành động cụ thể.
Tại phiên họp, Chính phủ cũng thảo luận nhiều vấn đề “nóng”. Theo Thủ tướng, tinh thần tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Chính phủ tuyên chiến với nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Liên quan đến hiện tượng cá chết tại một số vùng biển miền Trung, hạn hán, xâm nhập mặn, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào 5 nội dung: Sớm có kết luận khách quan, khoa học nguyên nhân hải sản chết bất thường và công bố công khai; rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải, nhất là cơ sở sản xuất lớn; khôi phục, ổn định sản xuất; hỗ trợ kịp thời gạo, tiền, lãi suất cho người dân bị ảnh hưởng; xử lý nghiêm các đối tượng gây rối an ninh trật tự.
Về hạn hán, xâm nhập mặn và hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, lốc, mưa đá… Thủ tướng yêu cầu, thực hiện các biện pháp cấp bách bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, bảo đảm đời sống và sớm khôi phục sản xuất. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và có biện pháp phòng chống, ứng phó hiệu quả cả trước mắt và lâu dài. Khi người dân gặp nạn thì lãnh đạo chính quyền phải có mặt ngay để giải quyết.
Dự thảo Nghị quyết về phát triển DN Việt Nam đặt mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020, cả nước có khoảng một triệu DN hoạt động trong nền kinh tế. Khu vực tư nhân trong nước đóng góp khoảng 48 - 49% GDP; đầu tư của dân cư và DN tư nhân chiếm khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hằng năm, có khoảng 30 - 35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Để đạt điều đó, dự thảo Nghị quyết cũng nêu lên một số nguyên tắc như tất cả các DN không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường… và cơ hội kinh doanh... Cùng với đó, đưa ra nhiều giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN như lãnh đạo các tỉnh, TP phải hàng quý đối thoại với DN; thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt kiểm tra (không quá 2 lần/năm). Xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu DN…
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải