Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Hút” cán bộ về vùng đặc biệt khó khăn: Chi sai, ai chịu trách nhiệm?

Thứ sáu, 13/01/2017 - 19:14

(Thanh tra)- “Chi không đúng đối tượng thì ai sai? Nghị định 116 sai, các Bộ sai hay ai sai? Tại sao dẫn đến tình trạng này? Thất thoát gây dư luận không tốt trong xã hội khi chúng tôi đi giám sát, thì ai chịu trách nhiệm ở đây, chúng ta phải trả lời với dân”, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chất vấn.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chất vấn.

Sáng ngày 13/1, Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên giải trình “Tình hình thực hiện Nghị định 116/NĐ/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế  - xã hội đặc biệt khó khăn”.

5 năm chi 24.817.058 triệu đồng

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua tổng hợp báo cáo của 24/30 bộ, ngành, 48/63 tỉnh, TP, giai đoạn 2011 - 2015, tổng kinh phí thực hiện Nghị định 116 là 24.817.058 triệu đồng.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện Nghị định 116, do không có quy định cụ thể nên một số địa phương đã thực hiện chính sách đối với một số xã không phải là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tại phiên giải trình, Hội đồng Dân tộc và nhiều đại biểu cũng nhận định, Nghị định 116 là một chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã được các địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện.

Đặc biệt, hai ngành Giáo dục, Y tế với sự ưu đãi phụ cấp ngành, phụ cấp khu vực và chính sách thu hút đã tạo điều kiện từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và cán bộ y tế kéo dài trong nhiều năm. Như huyện An Phú (tỉnh An Giang) trước khi thực hiện Nghị định 116 các xã đặc biệt khó khăn không có bác sĩ, nhưng sau khi thực hiện đã có 6/7 xã thuộc diện này có bác sĩ…

Đáng nói, hiện nay có 3 văn bản của Chính phủ quy định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

“Chính việc quy định cùng một chính sách ở nhiều văn bản và ở các thời điểm khác nhau dẫn đến tình trạng chi nhầm, chi trùng đối tượng…”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Kết quả khảo sát trực tiếp tại 10 tỉnh của Hội đồng Dân tộc cũng cho thấy, nhiều hạn chế, trong đó nổi lên vấn đề thiếu tính thống nhất và phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng ngay trong Nghị định này.

Theo ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, một số xã không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn mà là xã thực hiện Chương trình 135, xã an toàn khu, xã khu vực I, khu vực II vẫn được thụ hưởng, dẫn đến ngân sách chi trả hàng năm quá lớn.

Một số địa bàn chi sai đối tượng đã được xác định, tuy Bộ Tài chính đã có chỉ đạo không thu hồi, nhưng công tác rà soát, điều chỉnh và giải quyết, xử lý hậu quả vẫn chưa được thực hiện kịp thời như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Ngãi, Phú Yên…

“Trong lúc ngân sách Nhà nước còn rất khó khăn thì việc cân đối các nguồn chi để đảm bảo phát triển hài hòa, toàn diện cũng phải được tính toán, xem xét”, ông Nguyễn Lâm Thành nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội chất vấn, các cơ quan Nhà nước giải thích về trách nhiệm của mình khi ban hành Nghị định 116, có đánh giá tác động và nguồn chi hay không? Tại sao lại không thống nhất như vậy?

Bất công bằng, tạo cơ chế xin - cho

Giải trình, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận, do chưa tổng hợp, đánh giá các chính sách trước khi ban hành Nghị định 116 có tình trạng 1 đối tượng được hưởng cả 3 chính sách hay có trường hợp mới đến đã chi rồi, có trường hợp lại sau 5 năm mới chi…

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận, “lỗi là chưa tổng hợp chính sách khi xây dựng chính sách trong Nghị định 116 để tránh trùng lắp”

“Thất thoát trong quá trình thực hiện chính sách Nhà nước trong 5 năm là có”, người đứng đầu ngành Nội vụ nói và cho biết, sẽ rút kinh nghiệm.

Đại diện Bộ Tài chính cũng giải trình những những bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định 116, Thông tư liên tịch số 08 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính khi xác định địa bàn áp dụng.

Chưa hài lòng, ông Bùi Sỹ Lợi nói, “các Bộ giải trình chưa xuôi lắm”. “Bộ Tài chính nói cả trong Nghị định 116 và Thông tư 08 đều có bất cập. Vậy văn bản này ra thì trách nhiệm thuộc Bộ nào? Bộ Tài chính hay Bộ Nội vụ? Trách nhiệm là ai? Ra cuộc giải trình này không biết lỗi thuộc ai, ai cũng đúng thì chắc là dân sai?”, ông Lợi hỏi.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng yêu cầu làm rõ tiền chi không đúng đối tượng thì ai sai.

“Nghị định này sai, các Bộ sai hay ai sai? Tại sao dẫn đến tình trạng này? Thất thoát gây dư luận không tốt trong xã hội khi chúng tôi đi giám sát, thì ai chịu trách nhiệm ở đây, chúng ta phải trả lời với dân”, ông Lợi tiếp tục chất vấn.

Theo ông Lợi, việc thực hiện chính sách này còn tạo ra sự bất công bằng. “Khi điều cán bộ từ xã này sang xã kia, người ta không đi vì đang hưởng mấy chục % theo Nghị định 116 về xã khác thì mất. Trong khi, anh khác thì cố gắng chạy chọt để về xã này. Điều này tạo ra cơ chế xin – cho. Tất cả cái sai này ai chịu trách nhiệm?”.

Chi không đúng sẽ kiên quyết thu hồi

Đại biểu Phương Thị Thanh cũng đề nghị làm rõ tổng kinh phí chi trả cho các đối tượng trùng lặp trong 5 năm qua là bao nhiêu, việc thu hồi khoản chi trả không đúng thế nào. Với Bộ Nội vụ, dù biết có sự bất cập nhưng nhiều năm qua chưa kiểm tra, giám sát, khắc phục thì cũng có trách nhiệm của Bộ trưởng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chủ trì phiên giải trình với sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành có liên quan

“Trước mắt những vấn đề bức xúc sẽ nghiên cứu điều chỉnh ngay, chứ không chờ ban hành Nghị định mới”, Bộ trưởng Tân nói.

Theo ông Tân, khi tổng kết việc thực hiện Nghị định sẽ làm rõ số tiền chi sai, chi không đúng chính sách.

“Quan điểm của Bộ Nội vụ cái gì chi không đúng thì kiên quyết thu hồi, có biện pháp xử lý để bảo đảm công minh, công bằng trong thực thi pháp luật”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân một lần nữa thừa nhận, trước khi ban hành Nghị định 116 đã có rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho khu vực này. “Lỗi là chưa tổng hợp chính sách khi xây dựng chính sách trong Nghị định 116 để tránh trùng lắp”.

Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị Chính phủ tổng kết và chỉ ban hành một Nghị định mới thay thế theo hướng thống nhất chính sách.

Cán bộ đi vùng kinh tế đặc biệt khó khăn được hưởng 7 chế độ

Nghị định 116 /2010/NĐ-CP quy định 7 chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm: Phụ cấp thu hút mức 70% tiền lương hàng tháng; phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng hoặc nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Địa bàn áp dụng gồm huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1; 2.068 xã khu vực 3, 311 xã đặc biệt khó khăn, 736 xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc 61 huyện nghèo.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

Hà Nam tổ chức hội nghị về sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị

(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.

Chính Bình

21:26 12/12/2024
Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

Chủ tịch nước: Ngành Ngoại giao cần làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18

(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

T.T

21:06 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm