Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Hà Nội nhìn thấy thảm họa tiến dần về phía mình mà không biết làm cách nào”

Thứ tư, 21/12/2016 - 08:58

(Thanh tra) - Bí thư Thành Ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, “Hà Nội nhìn thấy thảm họa đang tiến dần về phía mình mà không biết làm cách nào”. Cho nên, dù chia sẻ với Trung ương, nhưng Hà Nội cần cơ chế đặc thù để vượt qua những thách thức đang nhìn thấy rõ…

Bí thư Thành Ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều ngày 20/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho TP Hà Nội.

Không tạo cơ chế đặc thù mới, còn bó hẹp hơn

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, so với Nghị định số 123/2004/NĐ-CP và Nghị định số 112/2015/NĐ-CP, dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về mức dư nợ các nguồn vốn huy động.

Cùng với đó, tăng cường nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi, bảo đảm cân đối tích cực trong phạm vi an toàn, an ninh tài chính quốc gia và từng bước phù hợp với khả năng ngân sách Trung ương.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách nhất trí với nội dung Chính phủ trình.

Tuy nhiên, vấn đề được các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra là, dự thảo nghị định không tạo ra cơ chế đặc thù mới, thậm chí còn thu hẹp hơn so với nghị định hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự quan tâm đến ý kiến thiểu số của Ủy ban Tài chính Ngân sách là “các quy định về cơ chế tài chính - ngân sách như quy định của các Luật không thể hiện rõ cơ chế đặc thù, đề nghị Chính phủ, theo thẩm quyền, xác định rõ về phạm vi, nội dung cơ chế có tính đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là các vấn đề về phân cấp, phân quyền quyết định cho Thủ đô Hà Nội”.

Theo bà Ngân, “thế này thì Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển như các tỉnh khác thôi, cứ từ từ đi lên, không vội được đâu”.

Phải tạo cơ chế đột phá mạnh mẽ cho Thủ đô

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng, nếu ban hành nghị định mới mà không có lợi cho Hà Nội thì nên cân nhắc.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần thiết ban hành cơ chế đặc thù cho Hà Nội với điều kiện đúng luật, đúng thẩm quyền, có sự đột phá, để tạo ra sự đột phá mạnh mẽ cho Thủ đô phát triển

Thậm chí, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình, cơ chế đặc thù phải rõ, đúng luật, cần có ưu tiên cho Hà Nội. Nếu cần thì “thắt lưng, buộc bụng” để xây dựng Thủ đô đàng hoàng khi bước vào giai đoạn mới.

Chủ tịch Quốc hội nói tiếp, hơn ai hết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiểu và chia sẻ khó khăn về ngân sách với Chính phủ.

“Nhưng cần thiết ban hành cơ chế đặc thù cho Hà Nội với điều kiện đúng luật, đúng thẩm quyền, có sự đột phá, để tạo ra sự đột phá mạnh mẽ cho Thủ đô phát triển”, bà Ngân nói.

Cùng với cơ chế tài chính, theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu thêm như phân cấp thế nào, phân quyền thế nào trong khuôn khổ pháp luật để tạo sự năng động, nhạy bén, chủ động cho Thủ đô Hà Nội.

“Quan trọng là nghị định này không làm cho Hà Nội thiệt hơn so với hiện hành thì mới cần thiết. Còn nếu ra một nghị định làm cho nguồn lực hẹp hơn thì không cần thiết ban hành. Tất nhiên, để giải bài toán này rất khó”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Quy hoạch 300km tàu điện ngầm chưa làm được km nào

Phát biểu tại phiên họp, theo Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Hoàng Trung Hải, 5 năm trước, TP Hà Nội tăng trưởng kinh tế bình quân 9,23%, nhưng đầu tư vào hạ tầng chỉ 4%, di dân tự do trung bình vẫn 1,4%, năm nay di dân tăng 1,9%.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên thảo luận cho ý kiến

“Hà Nội nhìn thấy thảm họa đang tiến dần về phía mình mà không biết làm cách nào”, Bí thư Hải nói và cho biết, Hà Nội đã quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm với 300km để giải quyết vấn đề giao thông nhưng đến nay chưa làm được km nào.

Cũng theo Bí thư Hoàng Trung Hải, Luật Thủ đô rất hoành tráng nhưng thực hiện chưa được mấy, ngay Điều 21 thực hiện chưa hết.

Cho nên, dù chia sẻ với Trung ương, nhưng Hà Nội cần cơ chế đặc thù để vượt qua những thách thức đang nhìn thấy rõ. Còn nếu ban hành nghị định mà không có cơ chế gì hơn thì tốt nhất nên giữ nguyên. Trong đó, cần điều chỉnh tăng mức chi đầu tư cho Hà Nội.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh thêm, nếu Quốc hội không duyệt những dự án giao thông lớn thì Hà Nội không cách gì thoát khỏi "thảm họa" mà tôi vừa báo cáo.

Kết luận phiên thảo luận cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ ban hành Nghị định phải bám sát Điều 74 Luật Ngân sách Nhà nước và Điều 21 Luật Thủ đô, cần có đột phá, tạo lợi thế hơn cho Hà Nội, chứ nếu bó hơn, không đảm bảo nguồn lực cho Hà Nội thì sẽ không bảo đảm được tinh thần của Bộ Chính trị.

Nghị quyết về án phí, lệ phí tòa án (TA) sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017

Để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thu án phí, lệ phí TA, tránh khoảng trống pháp lý, chiều 20/12, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Án phí và Lệ phí TA theo thủ tục rút gọn.

Tại phiên họp, đa số ý kiến thống nhất với tờ trình của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, do các nội dung góp ý đã được Chính phủ tiếp thu từ trước, nên các ý kiến khác nhau gần như không còn. Tuy nhiên, nên ban hành nội dung này dưới hình thức Nghị quyết sẽ phù hợp và thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.

Ý kiến này được tất cả các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành và thống nhất sẽ ban hành Nghị quyết về mức thu, mức miễn giảm, thu nộp lệ phí, án phí TA thay thế cho Pháp lệnh sắp hết hiệu lực. Đồng thời, Nghị quyết sẽ được áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định để có hiệu lực từ 1/1/2017. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn chỉnh Nghị quyết để ban hành.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm