Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội: Cử tri đề nghị kiểm soát giá vàng

Hải Hà

Thứ hai, 01/07/2024 - 11:12

(Thanh tra) - Cử tri Hà Nội đề nghị TP có giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, kiểm soát giá vàng, giá lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu để việc cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 thực sự phát huy tác dụng...

Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội khoá XVI khai mạc sáng 1/7. Trước kỳ họp, cử tri đề nghị kiểm soát giá vàng... Ảnh: HH

Sáng nay (1/7), kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội khoá XVI chính thức khai mạc.

Tại kỳ họp TP sẽ xem xét 17 báo cáo và thông qua 22 Nghị quyết. "Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng", ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết, kỳ họp sẽ cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; đề án tổng thể xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; quy chế quản lý kiến trúc của TP...

Kiến nghị nhiều vấn đề “nóng”

Trước kỳ họp, cử tri Thủ đô đã có ý kiến, kiến nghị về các vấn đề quan tâm đến các cơ quan của TP.

Thường trực HĐND TP Hà Nội cho biết, các kiến nghị cử tri là những vấn đề nóng của TP, ảnh hưởng trực triếp đến đời sống Nhân dân.

Trong đó, với nhóm kiến nghị của TP tập trung vào 4 lĩnh vực gồm: Vấn đề kinh tế, ngân sách, đất đai; quy hoạch giao thông đô thị; văn hóa, xã hội và tổ chức chính quyền.

Đối với lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đất đai, cử tri đề nghị UBND TP giảm bớt thủ tục hành chính, tiếp tục tăng cường liên thông các thủ tục hành chính đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đồng thời, TP rà soát lại toàn bộ việc quản lý tài sản công, tài sản liên kết đầu tư tại các cơ sở giáo dục để tránh thất thoát, lãng phí.

Đặc biệt, cử tri đề nghị TP có giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, kiểm soát giá vàng, giá lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu để việc cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 thực sự phát huy tác dụng.

Cử tri thị xã Sơn Tây nêu thực trạng giá nhà, đất trên địa bàn TP rất cao, phần lớn là các nhà đầu tư mua đầu cơ, còn người dân, công nhân lao động có nhu cầu thực tế thì không có khả năng để mua được.

Các cử tri đề nghị, UBND TP có giải pháp để ổn định thị trường bất động sản, khắc phục tình trạng đầu cơ, bảo đảm giá cả nhà đất phù hợp với đối tượng người lao động có nhu cầu thực tế.

Liên quan đến vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy, cử tri đề nghị, TP cho lắp đặt các họng nước chữa cháy tại các điểm ở địa bàn có nhiều ngõ, ngách, đường nhỏ hẹp, xe chữa cháy không đi vào được.

Cùng với đó, đề nghị UBND TP và sở, ban ngành liên quan có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt đối với loại hình nhà trọ và nhà ở kết hợp kinh doanh trong ngõ nhỏ.

Kiểm tra, rà soát quỹ đất xây thêm trường công

Trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, cử tri quan tâm đến vấn đề gia tăng dân số cơ học trong khi số trường học công lập các cấp học chưa nhiều và đang quá tải (nhất là tại các quận nội thành) và đề nghị TP chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát quỹ đất để xây dựng thêm các trường học công lập đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô.

Cử tri phản ánh việc Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐND ngày 29/3/2024 của HĐND TP chỉ quy định “mức trần” - mức tối đa áp dụng cho toàn TP Hà Nội mà không quy định mức tối thiểu và không phân chia theo khu vực đô thị, nông thôn, miền núi là rất khó khăn cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết.

Nội dung này đã được UBND TP chỉ đạo tại văn bản số 1320/UBND-KGVX ngày 4/5/2024, tuy nhiên, văn bản hướng dẫn này vẫn chung chung và phải thoả thuận, chưa phân chia theo khu vực (nội thành, ngoại thành, miền núi giống như đang áp dụng với các khoản thu học phí hiện nay) khiến cử tri, phụ huynh rất băn khoăn, lo lắng trong việc nhà trường áp dụng các mức tối đa vào năm học mới.

Cử tri đề nghị, TP chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể về cách xác định mức thu (có mức trần và mức sàn hoặc phương pháp tính cụ thể để xác định giá dịch vụ) làm cơ sở để phụ huynh và nhà trường xác định giá thoả thuận phù hợp.

Đối với lĩnh vực tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền, cử tri đề nghị TP quan tâm, chỉ đạo thực hiện lộ trình cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá như hiện nay.

Đặc biệt, sau khi Luật Thủ đô sửa đổi được thông qua, cần sớm có cơ chế đặc thù về tiền lương, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức cải thiện thu nhập…

HĐND TP Hà Nội cho biết, sau kỳ họp thứ 17, HĐND TP sẽ có văn bản gửi các kiến nghị tới các cơ quan chức năng để xem xét, trả lời, giải quyết thấu đáo.

Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 17 sẽ diễn ra từ ngày 1 - 4/7/2024.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm