Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 16/11/2016 - 12:07
(Thanh tra) - Đề án ngoại ngữ 9.000 tỷ đồng, vấn đề đổi mới giáo dục, 191.000 sinh viên thất nghiệp, bạo lực học đường... được các ĐBQH đặt ra với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại phiên chất vấn sáng ngày 16/11.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn
Ngay từ đầu giờ sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thông báo có 58 ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Dạy thêm, học thêm chưa dẹp được, sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp
ĐB Hồ Thị Minh (Quảng Trị) đặt vấn đề, hiện nay có 191.000 sinh viên tốt nghiệp đại học chưa có việc làm. Ở các địa phương cũng có rất nhiều trường đại học, các trường này vẫn tiếp tục đào tạo, gây mất cân đối cung cầu.
Sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm, gây lãng phí tiền của dân, của nước. “Tình trạng sinh viên không có việc làm gây nhức nhối cho xã hội. Bộ trưởng có trách nhiệm gì đối với tình trạng này?”, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) chất vấn.
ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa)
Việc dạy thêm, học thêm cũng được nhiều ĐBQH đề cập và đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quyết tâm cũng như giải pháp thực hiện.
Chia sẻ với con số ĐB đưa ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng bày tỏ: "Sinh viên ra trường không có việc làm, tôi rất trăn trở. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm, ngay cả Đại học Harvard cũng vậy”.
Kiến thức, kỹ năng trong nhà trường hết sức quan trọng, để sinh viên ra trường không phải mất thời gian để đào tạo lại. Nếu phải đào tạo lại thì rất lãng phí, rất nguy hiểm bởi họ đã được đào tạo những thứ không có ích.
“Chúng tôi rất ý thức điều đó. 80% sinh viên các trường ra trường không có việc làm, thường rơi vào các trường tốp dưới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiên quyết điều chỉnh các trường đại học, trường mới mở yếu kém thì hỗ trợ, thành phân hiệu các trường đại học lớn”.
Ngoài ra, Bộ sẽ quy hoạch lại mạng lưới và hình thành nhóm các trường, quy hoạch vùng miền chứ không đặt trường đại học ở các địa phương.
Để đảm bảo “đầu ra”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ đã làm việc với VCCI để đào tạo bổ sung sau khi sinh viên ra trường, đáp ứng yêu cầu việc làm. Bên cạnh đó sẽ siết lại cả “đầu vào” và “đầu ra” ở các trường đại học.
ĐBQH tiếp tục truy lỗi
Nhận trách nhiệm trước Quốc hội về vấn nạn dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng thừa nhận, dù đã có giải pháp nhưng chưa thể thực hiện được.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội)
“Dạy thêm, học thêm bức xúc từ lâu rồi, đây là vấn đề tự thân nhưng không thể cấm được. Bộ chỉ đạo địa phương và các cơ sở giáo dục thực hiện đúng hướng. Việc này có xu hướng ổn định hơn nhưng luôn có biến tướng, trách nhiệm chúng tôi phải sát sao, nhưng giải pháp này chưa phải là gấp”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho rằng, việc gấp trước mắt là phải chỉnh lại chương trình gọn nhẹ. “Chúng tôi đang rà soát chương trình sách giáo khoa mới, loại bỏ những nội dung không cần thiết và trùng lặp để chương trình nhẹ hơn, hợp lý hơn”.
Dùng quyền giơ biển tranh luận lại, theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), trước tình trạng 191.000 sinh viên thất nghiệp, Bộ trưởng có nói là nhận trách nhiệm, rồi sẽ có cách, nhưng đó là cách gì thì không rõ.
ĐB Cương cũng cho rằng, học thêm chưa có giải pháp căn cơ. “Bộ trưởng nói là học phải có sự tự nguyện, thì phụ huynh cười cho rằng, kiểu gì chả tự nguyện. Trẻ em Việt Nam hiện không có tuổi thơ, đề nghị Bộ trưởng phải có giải pháp căn cơ về vấn đề này?”.
Cũng giơ bảng truy vấn Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói: "Tôi muốn hỏi trong số 191.000 sinh viên thất nghiệp thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có lỗi gì không?".
Trả lời điều này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận, đúng là thời gian qua sự phối hợp đào tạo giữa Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn hạn chế. “Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn. Về chất lượng đào tạo, chúng tôi xin nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp là có lỗi trong việc để cho sinh viên ra trường không có việc làm. Cho dù chất lượng còn liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều yếu tố. Chúng tôi thành thật nhận trách nhiệm chứ không trốn tránh gì".
Đề án ngoại ngữ “đại lãng phí” không?
ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) chất vấn, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân từ năm 2008 đến năm 2020 dự kiến chi 4.900 tỷ đồng, nhưng đến nay đã chi 5.000 tỷ đồng nhưng vẫn chưa đạt mong muốn.
ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội)
“Bộ trưởng có khẳng định với những giải pháp đưa ra, dự án này có đạt được mục tiêu như mong muốn hay không? Hay số phận của nó cũng giống như 5 dự án không đạt hiệu quả mà Chính phủ báo cáo Quốc hội lần này?”, ĐB Ánh hỏi.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói thẳng thắn: “ĐB hỏi Đề án có mục tiêu không, tôi trả lời luôn là không”.
Theo Bộ trưởng, dạy và học ngoại ngữ là lâu dài, liên quan đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau, để thành thạo và đạt được mục tiêu như Đề án, cần thời gian và chi phí rất lớn. Khi xây dựng Đề án, chúng tôi đề ra quyết tâm cao, nhưng quá trình thực hiện có vấn đề về thời gian, kinh phí.
“Chúng tôi xin nhận trách nhiệm. Chúng tôi đã rà soát từ cách tiếp cận cho đến mục tiêu. Không phải Đề án chịu trách nhiệm đào tạo cho tất cả các đối tượng mà chỉ tập trung vào từng tổ chức, cá nhân. Thời gian đầu, Đề án được thực hiện hiệu quả và với mục tiêu không chỉ tập trung đào tạo giảng dạy cho học sinh, sinh viên mà là toàn dân “xóa mù chữ tiếng Anh”, xây dựng xã hội học tập tiếng Anh”.
Người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, thực hiện Đề án không thể đốt cháy giai đoạn mà phải thực hiện theo lộ trình. Kinh nghiệm các nước láng giềng như Malaysia, Singapore cũng phải mất 38 năm để cả nước phổ cập tiếng Anh.
Chưa hài lòng, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nói: "Phải khẳng định đây là đại dự án nếu so với 5 dự án ngàn tỷ đắp chiếu. Xin hỏi Bộ trưởng liệu dự án này có xảy ra tình trạng đại lãng phí không? Bộ trưởng rút ra kinh nghiệm gì, có giải pháp gì để khắc phục tình trạng lãng phí như vậy?”.
Bộ trưởng Nhạ trả lời, nói là Đề án hơn 9.000 tỷ, nhưng có tiền đâu. Đến nay mới có hơn 3.000 tỷ, các địa phương chi khoảng 1.600 tỷ.
“Bản thân cá nhân tôi phải rút kinh nghiệm rất sâu sắc. Khi làm một đề án phải tính toán đến kinh phí thực hiện, chứ không phải cứ đưa lên rồi khi triển khai thì không có tiền".
Thi trắc nghiệm có đảm bảo công bằng?
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) và một số ĐBQH nêu ý kiến cho rằng, liệu phương pháp thi trắc nghiệm có tránh tiêu cực, đảm bảo công bằng giữa các thí sinh.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, phương thức thi trắc nghiệm là đánh giá khách quan, được chuẩn hóa kỹ, các nước đã áp dụng phương pháp thi này.
Bộ đã cân nhắc kỹ, lắng nghe các chuyên gia và đến nay đây là phương pháp tốt nhất tiết kiệm thời gian, tiền bạc khi triển khai diện rộng.
ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Nga (Hải Dương) tranh luận: “Bộ trưởng trả lời thì thi trắc nghiệm là có ưu điểm, nhưng tôi thấy ngược lại. Đối với các môn lý, hóa liên quan đến thực hành, chúng ta đã tốn rất nhiều tiền để chi phí cho cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thực hành. Nhưng rốt cuộc là việc thực hành không làm gì cả vì không có trong chương trình thi trắc nghiệm”.
Thông tin cung cấp thêm của ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Nga khiến nghị trường bất ngờ, “các cháu đi thi về nói với tôi rằng chỉ thích thi trắc nghiệm. Phòng thi của các cháu chọn ra một bạn học giỏi nhất, sau đó cho sức dầu gió rất nhiều, để khi trả lời trắc nghiệm thì cứ phương án một bạn ấy ho một tiếng, phương án hai thì ho hai tiếng, cả phòng thi sẽ tích theo các phương án mà bạn ấy ho. Trong quy chế thi không ai cấm thí sinh ho. Như vậy đây có phải là phương án tốt hay không?".
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục khẳng định, thi trắc nghiệm không phải đi ngược lại với tính linh hoạt, năng động. Và thi trắc nghiệm thì cũng nhiều câu hỏi cần phải suy luận.
"Thi trắc nghiệm là mỗi cháu một mã đề thi nên không có chuyện như vậy. Chúng ta cần chất lượng toàn diện, tránh học lệch, học sinh học môn nào phải thi môn ấy”, Bộ trưởng đáp và cho biết, rất cân nhắc khi đổi mới một môn thi, một bài thi.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải