Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ĐBQH trách nhiệm đến cùng với lá phiếu tín nhiệm

Thứ bảy, 15/11/2014 - 11:17

(Thanh tra) – Hôm nay (15/11), Quốc hội sẽ công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

ĐB Lê Như Tiến cho rằng, sửa Nghị quyết 35 phải có quy trình chặt chẽ, cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng chứ không thể nào vội được. Ảnh: Thảo Nguyên

Bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH đã có trao đổi với báo chí liên quan tới những cân nhắc trong quá trình ĐB bỏ phiếu tín nhiệm.

ĐBQH Lê Như Tiến: Bản kê khai tài sản bổ sung rất kịp thời

Lần lấy phiếu tín nhiệm này ĐBQH đã quen hơn so với lần đầu. Các vị ĐBQH cũng có sự chủ động tiếp cận sớm hơn đối với báo cáo của các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành. Các văn bản khác cũng được bổ sung rất kịp thời như bản kê khai tài sản, báo cáo công tác, đặc biệt là hiệu quả công việc của từng vị từ lần lấy phiếu trước đến lần này.

Đặc biệt, với thời gian một năm từ lần lấy phiếu trước, ĐBQH có thời gian kiểm chứng từ dư luận xã hội, ý kiến của cử tri và bản thân ĐB qua bộ lọc của mình để đánh giá các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành như thế nào. Các ĐB tự tin hơn, có căn cứ hơn để bỏ phiếu tín nhiệm.

+ Theo ông, hoạt động của các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành có chuyển biến sau một năm lấy phiếu tín nhiệm?

- Có chuyển biến thực sự. Ví dụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài chính hay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chuyển biến rất rõ. Các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã xông xáo hơn, trách nhiệm hơn, lăn lộn với công việc.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, có được chuyển biến này kết hợp từ nhiều vấn đề khác như chất vấn và trả lời chất vấn chứ không chỉ lấy phiếu tín nhiệm. Chất vấn, trả lời chất vấn cũng là một kênh để các Bộ trưởng, Trưởng ngành có thể thấy được điểm yếu, điểm mạnh, để sửa chữa, điều chỉnh lại chính sách, xây dựng lại hệ thống, giải pháp của mình.

+ Có ý kiến cho rằng, với 3 mức tín nhiệm thì việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ mang tính hình thức?

- Khi chưa sửa Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn thì chúng ta vẫn lấy ở 3 mức tín nhiệm. Để đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, tránh hình thức thì phải đợi khi chúng ta sửa Nghị quyết 35.

+ Phải chăng, chúng ta lấy phiếu tín nhiệm trước khi sửa Nghị quyết 35 là một giải pháp an toàn?

- Tôi chưa có căn cứ để nói điều này. Nhưng sửa Nghị quyết 35 phải có quy trình chặt chẽ như một dự án luật của Quốc hội. Vả lại đây là vấn đề liên quan đến con người, đến nhân sự cho nên phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng chứ không thể nào vội được. Vì vậy Nghị quyết 35 phải sửa sau khi lấy phiếu tín nhiệm.

Nhưng tôi thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm có tác dụng lớn, ít nhất là có tính chất cảnh báo vì kết quả của các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành không đồng đều như nhau. Có vị mức độ tín nhiệm cao, có vị tín nhiệm thấp hơn thì những vị có tín nhiệm ít hơn chắc chắn phải suy nghĩ, nhìn lại mình.

+ Đến khi nào Quốc hội thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Hiến pháp?

- Một số nước trên thế giới chỉ bỏ phiếu tín nhiệm và không tín nhiệm. Hiến pháp cũng chỉ quy định về bỏ phiếu tín nhiệm thôi. Nhưng ở nước ta vẫn có bước chuyển tiếp là lấy phiếu tín nhiệm. Thực tế, lấy phiếu tín nhiệm cũng là một bước của bỏ phiếu tín nhiệm để thăm dò mức độ, xem mức tín nhiệm của người đó thế nào. Còn sau bỏ phiếu tín nhiệm là hậu quả pháp lý rồi. Đây là 2 vấn đề khác nhau.

ĐBQH Lê Nam: Bộ trưởng nào cũng báo cáo “hoàn thành tốt nhiệm vụ” Tôi đã nhận được báo cáo của các Bộ trưởng và Trưởng ngành, những người được lấy phiếu tín nhiệm. Tôi thấy các báo cáo của họ phản ánh lại quá trình từ khi lấy tín nhiệm lần trước đến bây giờ. Tất cả đều khẳng định đã hoàn thành nhiệm vụ, các lĩnh vực công việc mà họ đảm nhiệm đều hoàn thành tốt. Ảnh: Thảo Nguyên Song báo cáo cũng chỉ là một góc cạnh, chứ thực tế tôi tin là mỗi ĐB cũng phải tự tìm kiếm thêm thông tin, đồng thời căn cứ vào những việc thực tế mà các Bộ trưởng đã làm được trong thời gian vừa qua để đánh giá và đưa ra quyết định. Tôi tự tin và trách nhiệm đến cùng với lá phiếu mình bỏ cho các vị được lấy phiếu tín nhiệm lần này. Có thể những thông tin đối với vị này mình thấy yên tâm, còn các vị khác mình thấy chưa đủ. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng mục đích của lấy phiếu tín nhiệm là để đánh giá, thúc đẩy các Bộ trưởng, Trưởng ngành nhìn lại mình và có ý thức trách nhiệm với nhân dân, xã hội lớn hơn. Thực tế sau lần lấy phiếu đầu tiên cho thấy nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành đã thay đổi rõ rệt, tạo động lực lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong lần lấy phiếu này, nếu có vị Bộ trưởng nào mà có nhiều tín nhiệm thấp như lần trước thì tôi nghĩ chắc chắn cơ quan có trách nhiệm trong công tác tổ chức cán bộ sẽ xem xét. Có thể anh chưa đến ngưỡng, nhưng vì là hai lần thấp quá thì phải xem xét, chứ nếu không làm, cứ coi như bình thường thì nhân dân và cử tri sẽ băn khoăn.


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm