Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

ĐBQH: Đề nghị cho phép dùng súng thô sơ tạo “tiếng nổ văn hóa”

Thứ sáu, 02/06/2017 - 20:57

(Thanh tra) - Ngày 2/6, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số ý kiến khác nhau của dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và dự án Luật quản lý, sử dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

ĐB Giàng A Chu (Yên Bái)

Không cấm sở hữu vũ khí thô sơ nhưng phải khai báo

Cho ý kiến dự án Luật quản lý, sử dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu (ĐB) Giàng A Chu (Yên Bái) đề nghị cần, nghiên cứu quy định về việc sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ được người dân vào mục đích văn hóa.

Theo ĐB, thực tế trong đời sống, đồng bào dân tộc miền núi còn sử dụng “tiếng nổ” trong phong tục tập quán. Như trong đám hiếu của người có uy tín hay khi có việc lớn, người dân miền núi hay dùng tiếng súng để báo hiệu.

“Nếu không quy định trong luật thì sau này thi hành luật, anh em sử dụng vũ khí thô sơ và vật liệu nổ vào mục đích văn hóa đều vi phạm pháp luật”, ĐB đặt vấn đề.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu, đồng bào băn khoăn về việc sử dụng vũ khí thô sơ trong hoạt động văn hóa có bị coi là vi phạm pháp luật.

Giơ biển tranh luận liên quan đến ý kiến “tiếng nổ văn hóa”, theo ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), nước ta với nhiều dân tộc có những phong tục tập quán tốt đẹp cần giữ gìn và phát triển. Tuy nhiên, có những tập tục cần thay đổi cho phù hợp. Tất nhiên sự thay đổi đó có ảnh hưởng đến lợi ích của một nhóm người dân nhưng cần chấp nhận vì lợi ích lớn hơn.

“Cách đây 20 năm, tiếng pháo báo hiệu mùa xuân tới, báo sự may mắn đã ăn sâu vào tiềm thức lâu đời, truyền thống nhưng vì đảm bảo an ninh trật tự nên ta đã cấm. Lúc đầu có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng có thể thấy Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã thực sự đi vào cuộc sống, đóng góp rất lớn vào đảm bảo an ninh trật tự”, ông Hồng nói.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đối với vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo, do tính chất đặc thù văn hóa, phong tục tập quán vùng miền và của đồng bào dân tộc thiểu số, một số loại vũ khí thô sơ là tài sản văn hóa, tâm linh của đồng bào thì quy định cấm sở hữu đối với loại vũ khí này sẽ không bảo đảm tính khả thi và không được sự đồng thuận của nhân dân.

“Vì vậy, dự thảo Luật không cấm cá nhân sở hữu đối với vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo nhưng phải thực hiện việc khai báo để quản lý theo quy định tại Điều 31 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý”, ông Võ Trọng Việt nói.

Kiểm soát luồng nhập khẩu, chặn công nghệ lạc hậu

Liên quan đến dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng, nhưng nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu.

ĐB K`Nhiễu (Lâm Đồng)

“Chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết.

Do đó, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định hạn chế chuyển giao công nghệ kèm theo máy móc, thiết bị cũ, hiệu suất năng lượng thấp. Đồng thời, bổ sung quy định cấm việc chuyển giao đối với công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn Việt Nam và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

“Đầu tư những công nghệ lạc hậu, những dự án đầu tư gây sự cố môi trường đã xảy ra không cho phép chúng ta dễ dãi trong giai đoạn phát triển của đất nước hiện nay”, ĐB K`Nhiễu (Lâm Đồng) cho rằng, cần nghiên cứu xem xét quy định các hồ sơ phải đánh giá đầy đủ tác động ảnh hưởng của công nghệ đến môi trường.

Còn ĐB Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) đề nghị, bổ sung khái niệm công nghệ lạc hậu vào dự thảo để không gây khó cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện việc chuyển giao công nghệ.

"Nếu không có quy định rõ ràng, nhiều kết quả không được chuyển giao, nhà khoa học không có thu nhập, doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu còn dự án bị đắp chiếu, đề tài bị bỏ ngăn kéo”, ĐB Lan lưu ý.

Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, sẽ thể hiện quy định cô đọng lại và tăng phần thu hút chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, xử lý thêm bảo vệ môi trường, bổ sung nội dung hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ…

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm