Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dân đặt ra Nhà nước, dân kêu sao Nhà nước từ chối?

Thứ hai, 24/08/2015 - 14:53

(Thanh tra) - Thảo luận một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của dự án (D.A) Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách hôm nay (24/8), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Nhân dân đặt ra Nhà nước để giải quyết việc của dân. Dân kêu sao Nhà nước từ chối? Dân kêu tòa án phải xét xử, không được từ chối với lý do luật chưa quy định…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chuyện dân sự cốt ở hai bên, hai bên giải quyết được với nhau là tốt. Nếu dân kêu thì tòa án phải xét xử. Không thể nói chưa có luật để từ chối. Ảnh Thảo Nguyên

Không để dân chạy “lòng vòng”

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định, tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, áp dụng tập quán, lẽ công bằng, tương tự pháp luật để bảo vệ quyền dân sự của người dân. 

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này và cho rằng, không phù hợp với quy định của Hiến pháp “thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Ý kiến khác lại đề nghị quy định cụ thể, làm rõ khái niệm tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng để bảo đảm tính khả thi. Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), trong điều kiện hiện nay, nếu giao thẩm phán quyền chủ động quyết định áp dụng tập quán thì chưa bảo đảm. Đất nước ta có nhiều vùng miền, nhiều dân tộc, đặc điểm, tập quán khác nhau. Vì vậy, nên giao cho Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tổng kết thì mới yên tâm áp dụng các tập quán thống nhất trong cả nước.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, ngay ở những nước có nền pháp lý phát triển thì hệ thống luật thành văn cũng không thể bao quát hết các tình huống phát sinh trong xã hội. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) bày tỏ đồng tính với quy định của dự thảo. “Tòa bảo vệ công lý, lẽ công bằng thì phải xử lý không thể để người dân phải chạy “lòng vòng”. Cần tin tưởng và giao các thẩm phán áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, lẽ công bằng trong xét xử. Tất nhiên áp dụng trong thực tiễn sẽ có cái khó nên cần có hướng dẫn. Bảo không có điều luật để áp dụng từ chối xử thì dân chết”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, nhân dân đặt ra Nhà nước để giải quyết việc của dân. Xưa nay vẫn thế. Chế độ ta càng phải thế. Dân kêu sao Nhà nước từ chối? Chuyện dân sự cốt ở hai bên, hai bên giải quyết được với nhau là tốt. Nếu dân kêu thì tòa án phải xét xử. Không thể nói chưa có luật để từ chối. “Hiến pháp quy định tòa án thực hiện quyền xét xử, quyền tư pháp. Dân đến thì tòa án phải xét xử. Còn giải quyết được không là việc của tòa án, chúng ta phải quy định như thế nào để tòa án xử được, không nên bàn lùi. Chúng ta thường nói sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Cho nên, phải quy định chỗ để nhân dân đến, để dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý. 

Lãi suất quy định “cứng” hay “mềm”?

Liên quan đến vấn đề lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, do còn nhiều ý kiến khác nhau, dự thảo xây dựng 2 phương án. Theo đó, phương án 1, quy định mức lãi suất “cứng” không được “vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp Luật các tổ chức tín dụng có quy định khác”. Phương án 2 quy định, “không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.

Phó Chánh án TAND Tối cao Tống Anh Hào bày tỏ, để chống cho vay nặng lãi phải có mức trần, nếu không quy định mức trần sẽ không có căn cứ để xử được tội cho vay vặng lại. Vì vậy, nên quy định theo phương án 2 sẽ linh động, có lên, có xuống. Còn quy định “cứng” không được “vượt quá 20%/năm” thì sau này lãi suất thay đổi lại phải sửa luật. 

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng cho rằng, không nên quy định “cứng” lãi suất, Quan trọng, phải quy định như thế nào để bảo đảm tính hợp lý, bảo đảm “đời sống lâu dài” của quy định.

Ở chiều ngược lại, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến lý giải, nếu quy định 200% lãi suất cơ bản thì theo lãi suất cơ bản hiện hành là 9% thì lãi suất cho vay tối đa là 18%/năm. Thực tế, một số quốc gia quy định mức lãi suất này cao hơn. “Chúng tôi cho rằng, nên quy định theo phương án 1 vừa dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ xử lý. Còn quy định theo lãi suất cơ bản hay lãi suất khác thì đều có sự thay đổi và mỗi giai đoạn thời kỳ lại khác nhau”. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng lưu ý, dự thảo không nên quy định quy định loại “trừ trường hợp Luật các Tổ chức tín dụng có quy định khác” vì đối tượng thi hành của Luật các Tổ chức tín dụng hẹp hơn. 

Nhiều ý kiến lại đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%) và đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ; đồng thời, đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu... 

Trong 3 ngày làm việc, ĐBQH chuyên trách sẽ thảo luận về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau D.A Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; D.A Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); D.A Bộ luật Hình sự (sửa đổi); D.A Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)…

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trọng tâm của phiên họp này là tiếp tục thảo luận, hoàn thiện nhiều bộ luật liên quan lĩnh vực tư pháp. Việc thông qua các D.A luật này tại kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích chính đáng của công dân; góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

“Chúng ta quy định thế nào để xét xử cho tốt. Mọi tội hình sự đều phải quy định vào luật này vì liên quan quyền thiêng liêng của con người: Tha hay bắt, sống hay chết... Không được bỏ lọt tội phạm, không được buông lỏng quản lý nhưng phải cân nhắc thận trọng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nói và lưu ý, xét xử phải theo nguyên tắc công khai, tranh tụng. Quyền của luật sư, người tự bào chữa phải được tôn trọng. Quyền tư pháp giao cho toà án và quyết định cuối cùng là của toà án.

Thảo Nguyên 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm