Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 02/01/2017 - 06:00
(Thanh tra)- Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh, để loại bỏ cán bộ biến chất, quan liêu, hách dịch, tham nhũng, coi thường nhân dân…. cần chú trọng cả 3 vấn đề: Đầu vào, cơ chế kiểm tra, thanh tra, kiểm soát quyền lực và đầu ra trong quản lý, sử dụng cán bộ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường nhận định, thanh tra công vụ sẽ là giải pháp hữu hiệu để giải quyết lúng túng trong việc loại bỏ cán bộ quan liêu, hách dịch, tham nhũng…
Vẫn “lỗi nhịp”, thiếu đồng bộ
+ Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ mới đưa ra thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Nhưng, có ý kiến cho rằng, sự chuyển động ở địa phương chưa đồng hành. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Việc người đứng đầu Chính phủ đưa ra thông điệp như vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ cho thấy quyết tâm của Chính phủ khóa mới trong việc tự hoàn thiện mình nhằm làm tốt nhất các yêu cầu nhiệm vụ cũng như đáp ứng thực tiễn phát triển của đất nước.
Thông điệp này chỉ mới là lời hiệu triệu, điều quan trọng mà người dân mong đợi là những chuyển động thực sự, những việc làm, hành động cụ thể của Chính phủ.
Rõ ràng, những gì Chính phủ nói và làm thời gian qua rất đáng trân trọng, ghi nhận, cho thấy Chính phủ đang thực hiện hết sức quyết liệt các thông điệp mình đưa ra.
Tuy nhiên, cũng khách quan mà nhìn nhận, sự chuyển động của cả nền hành chính đất nước đôi lúc, đôi nơi chưa thực sự đáp ứng mong đợi của nhân dân. Vấn đề này tôi cũng đã nêu ra trước diễn đàn Quốc hội (khóa XIV) tại kỳ họp thứ 2 vừa rồi.
Khi tiếp xúc với cử tri, doanh nghiệp, một trong những vấn đề được phản ánh nhiều và gây bức xúc là vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức thực thi công vụ cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, thủ tục hành chính còn rườm rà, có những thủ tục không cần thiết, cứng nhắc, “đặc quyền, đặc lợi”… đặc biệt là ở các cấp thi hành. Đây là những biểu hiện cụ thể cho thấy vẫn còn “lỗi nhịp”, thiếu đồng bộ, quyết liệt trong thực hiện thông điệp “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp” mà người đứng đầu Chính phủ đã đề ra.
+ Theo ông, cần phải làm gì để từ Trung ương đến địa phương đều chuyển động, rút ngắn con đường từ lời nói đến hành động?
- Còn nhiều việc phải làm và phải làm quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao mới có thể thành công.
Tôi nghĩ, bộ máy hành chính Nhà nước, từ Trung ương đến các địa phương phải nhận thức đầy đủ, hướng ứng thông điệp Chính phủ đề ra để có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng khoa học, hiện đại; nâng cao năng lực quản trị công nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hoạt động kinh tế quốc tế.
Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng các mô hình quản trị công hiệu lực, hiệu quả và nhân rộng ra các địa phương có điều kiện. Vấn đề này, vừa qua, tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh khác thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công, đây là mô hình mới, sáng tạo, Chính phủ cần sớm được nghiên cứu, đánh giá để nhân rộng nếu hiệu quả.
Chúng ta phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ tài, đủ đức, có tâm với công việc; có cơ chế linh hoạt và mạnh dạn loại bỏ những cán bộ, công chức không đủ năng lực, có các biểu hiện quan liêu, hách dịch, vụ lợi, coi thường nhân dân.
Thanh tra công vụ sẽ giải quyết “lúng túng” loại cán bộ quan liêu
+ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII nhấn mạnh, vẫn có biểu hiện sử dụng quyền lực để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng quyền hạn của mình để trục lợi. Ông cũng từng phát biểu "một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng, thích ban ơn". Tại sao lại có điều này, thưa ông?
- Sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, công chức không chỉ mới được nêu ra tại Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII mà đã được Đảng, Nhà nước ta chỉ ra từ trước.
Tuy nhiên, chưa bao giờ vấn nạn lợi dụng chức vụ quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng quyền hạn của mình để trục lợi lại “nóng” và được quan tâm đặc biệt như hiện nay, nhất là sau khi một loạt vấn đề bất cập về công tác bổ nhiệm, bố trí cán bộ trong thời gian qua.
Thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, cơ bản và cốt lõi là do cơ chế đánh giá, phân loại, giám sát, chọn và sàn lọc cán bộ, công chức; quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay của chúng ta đang có vấn đề; rất khó để chọn người tài và loại người kém.
Việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ một số nơi, một số vị trí còn nặng cảm tính, còn phụ thuộc vào ý chí của người có thẩm quyền mà chưa dựa vào năng lực thực tiễn của cán bộ.
Đặc biệt, người đứng đầu các cấp thiếu gương mẫu, dĩ hòa vi quý, thiếu bản lĩnh; họ cho người nhà, thân tộc, cục bộ địa phương, làng xóm mình, cho nên để làm mất lòng tin của người dân, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng và chính quyền.
+ Vậy đâu là giải pháp căn cơ để loại bỏ tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tham nhũng, thích ban ơn, vụ lợi cá nhân…?
- Theo tôi, cần chú trọng cả 3 vấn đề: Đầu vào; cơ chế kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát quyền lực và đầu ra trong quản lý, sử dụng cán bộ.
Đối với đầu vào, chúng ta phải thay đổi tư duy trong tuyển dụng để làm sao tuyển chọn được người tài, người giỏi, tâm huyết với công việc, với nhân dân và có phẩm chất đạo đức tốt. Chúng ta cần học hỏi một số nước có nguồn nhân lực chất lượng cao, tâm huyết cống hiến cho Tổ quốc.
Kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ và kiểm soát quyền lực là khâu có ý nghĩa quan trọng nhưng cũng là khâu yếu hiện nay nên mới có những trường hợp người có chức, có quyền dễ dàng lợi dụng để trục lợi, nhũng nhiễu, tham nhũng. Chúng ta còn một “khoảng trống” đó là kiểm soát quyền lực nên cán bộ, công chức yếu kém, biến chất vẫn tồn tại trong bộ máy Nhà nước…
Đầu ra cán bộ, công chức là vấn đề rất ít khi đề cập đến trong quản lý, sử dụng cán bộ, công chức hiện nay thì đã đến lúc cần phải đặt ra. Lâu nay, người nào vào công chức gần như yên tâm công tác, không sợ phải mất việc, nên động lực phấn đấu cũng rất hạn chế. Người đứng đầu cơ quan khi nhận thấy cán bộ, công chức thuộc quyền yếu kém thì việc xử lý cũng hết sức phức tạp.
Chúng ta cần có cơ chế thông thoáng hơn để loại khỏi bộ máy những cán bộ suy thoái, biến chất, có biểu hiện quan liêu, hách dịch, tham nhũng.
+ Như ông nói, cần phải tăng cường thanh tra công vụ để loại bỏ những cán bộ không đủ đức, tài, tham ô, tham nhũng ra khỏi bộ máy công quyền. Ông đánh giá gì về vai trò của ngành Thanh tra trong việc thực hiện nhiệm vụ này?
- Thực trạng của bộ máy Nhà nước nói chung và bộ máy hành chính Nhà nước nói riêng của nước ta hiện được nhận định, đánh giá là cồng kềnh, vận hành chưa thực sự hiệu lực, hiệu quả.
Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức trình độ chưa đáp ứng yêu cầu, quan liêu, hách dịch, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây bức xúc trong nhân dân nhưng chưa được xử lý. Việc loại bỏ bộ phận cán bộ, công chức này ra khỏi bộ máy là hết sức cần thiết.
Nhận định là vậy, biết thực trạng là như vậy, nhưng chỉ cụ thể ở đâu, nơi đâu, cán bộ nào cần loại bỏ thì hầu như các cơ quan quản lý cán bộ đều gặp lúng túng. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, thanh tra công vụ sẽ là giải pháp hữu hiệu để giải quyết lúng túng này.
Theo tôi, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra công vụ; thanh tra cần được tiến hành toàn diện, đồng bộ, đi vào cụ thể từng vấn đề và quan trọng là xử lý triệt để, công tâm, khách quan những tồn tại, sai phạm phát hiện qua thanh tra, loại bỏ ngay những cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, nhũng nhiễu, tham nhũng; có biểu hiện quan liêu, hách dịch.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc giao chỉ tiêu cụ thể trong cơ quan, đơn vị, chuyển đổi vị trí công tác, nhất là trên các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; phá vỡ kết cấu, sức ỳ của cán bộ, công chức làm lãnh đạo, điều đó đáp ứng được mong đợi của người dân, tất cả phục vụ nhân dân, vì nhân dân.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hương Giang (Thực hiện)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên
Trung Hà
Thái Hải
Bùi Bình