Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 01/11/2017 - 20:19
Chiều 1/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề cải cách tiền lương gắn với cải cách bộ máy hành chính; các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tham gia giải trình về vấn đề dịch bệnh trong thời gian qua, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết; vấn đề thanh toán phí khám chữa bệnh do bảo hiểm y tế chi trả...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình làm rõ hơn các nội dung về thu chi ngân sách, phân bổ ngân sách, quản lý nợ công...
Giữ mức bội chi trong giới hạn Quốc hội đã thông qua
Phát biểu giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Chính phủ sẽ giữ mức bội chi trong giới hạn Quốc hội đã qua.
"Chính phủ sẽ giữ bội chi ở mức trong giới hạn Quốc hội đã duyệt (3,5% GDP và dưới 178 nghìn tỷ đồng). Đây là lần đầu tiên trong 10 năm gần đây kiểm soát được bội chi. Chính phủ dự kiến năm 2018 đề xuất là 3,7%, sẽ xuống 3,6%, 2020 sẽ xuống 3,4%. Như vậy sẽ đảm bảo nợ công theo tính toán đến cuối 2018 sẽ là 63,9% GDP, tức là trong giới hạn Quốc hội cho phép" - Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu.
Về liên quan đến thu chi ngân sách Nhà nước, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tỉ trọng thu nội địa đã tăng lên 83,3% và mục tiêu đến năm 2020 là 85%. Chính phủ cho rằng sẽ đạt được mục tiêu này.
Về chi ngân sách, đầu tư có thể tăng lên, nhưng chi thường xuyên đã giảm xuống. Chính phủ quán triệt tinh thần tiết kiệm cao, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm chi ngân sách.
Về vấn đề nợ thuế, Bộ trưởng cho biết, tổng số nợ thuế đến ngày 30/9/2017 là 73,9 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ thuế có khả năng thu hồi là hơn 27,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,4% tổng số nợ thuế.
Nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, tự phá sản, ngừng, nghỉ, bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc đang thi hành án hình sự là hơn 28,2 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38,2%, lớn nhất trong tổng số nợ đọng thuế.
"Vấn đề này, Chính phủ đang chỉ đạo, Bộ đang tiến hành phân tích, phân loại để báo cáo với Quốc hội xóa nợ cho các trường hợp đủ điều kiện. Loại trừ tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, nợ lũy kế kéo dài nhiều năm do người nộp thuế đã chết, phá sản, mất tích…, nợ thuế có khả năng thu hồi tương đương với 3% tổng thu ngân sách Nhà nước" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Hà Nội đã khống chế thành công dịch sốt xuất huyết
Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giải trình về vấn đề dịch bệnh trong thời gian qua, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết.
Theo Bộ trưởng, số lượng ca mắc sốt xuất huyết tăng 46% so với năm 2016. Phân bổ dịch nặng nhất là khu vực phía Nam tăng 45% số ca mắc, khu vực miền Bắc tăng 15%. Tuy nhiên, dịch xảy ra nặng nề nhất là ở Hà Nội. Hiện Hà Nội đã khống chế thành công dịch sốt xuất huyết.
Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề phòng chống dịch sốt xuất huyết mặc dù ngành y tế, các địa phương đã rất quyết liệt nhưng hiệu quả thấp, để dịch kéo dài.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp một phần là do thời tiết, biến đổi khí hậu của năm nay, các nước trong khu vực cũng gia tăng số số ca sốt mắc xuất huyết.
Bên cạnh đó là vấn đề về nhập cư, vệ sinh môi trường ở các khu dân cư đông người, các khu xây dựng đọng nước nhiều tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, phát triển. Vấn đề phòng chống muỗi còn nhiều khó khăn. Ý thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế...
Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ rút kinh nghiệm, tăng cường phòng chống bệnh từ ban đầu, đảm bảo môi trường sống xanh, sạch; bảo vệ, nâng cao sức khỏe của người dân và triển khai sâu rộng đến từng cơ sở, xã phường, hộ dân.
Về vấn đề thanh toán phí khám chữa bệnh do bảo hiểm y tế chi trả, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là vấn đề nhiều địa phương rất bức xúc vì chậm thanh toán, "treo" một lượng lớn tiền thanh toán, có tỉnh lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Nước ta đã đạt được tỷ lệ bảo hiểm y tế khá cao (82%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao); chất lượng khám chữa bệnh từng bước nâng cao; giá dịch vụ nâng lên phù hợp với thực tế...
Tuy nhiên, do giá dịch vụ tăng, công tác thông tuyến, kỹ thuật cao được áp dụng đến tuyến tỉnh, tuyến huyện, ý thức bảo vệ sức khỏe của người dân tăng lên... nên nhiều địa phương bội chi quỹ bảo hiểm y tế...
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ sửa đổi các quy định để ngăn chặn tình trạng sử dụng quá mức các dịch vụ, hành vi trục lợi bảo hiểm y tế (khoán trần chi phí), đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin... nhằm khống chế tối đa tình trạng chi quá mức bảo hiểm y tế.
Cải cách tiền lương gắn với cải cách bộ máy hành chính
Đề cập về vấn đề cải cách tiền lương gắn với cải cách bộ máy hành chính, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, từ năm 1960 đến nay nước ta đã ba lần cải cách lớn về tiền lương, từ năm 2014 đến nay đã nhiều lần nâng mức tiền lương tối thiểu.
Tuy vậy, số thang, bảng, ngạch, bậc lương của cán bộ, công chức còn dựa chủ yếu vào bằng cấp, thâm niên. Chỉ số giãn cách giữa các bậc lương làm giảm hiệu quả của hệ số lương, tăng tính bình quân về tiền lương, giảm tính kích thích của tiền lương với công tác của cán bộ, công chức.
Các mức lương công chức hành chính được tính toán dựa trên tiền lương tối thiểu nên bảng lương của khu vực hành chính thấp hơn thị trường. Do đó, mức lương của công chức hành chính chưa thể hiện được giá trị lao động, chuyên môn, sức cống hiến của công chức, không thu hút được nhân tài.
Có quá nhiều loại phụ cấp không đáp ứng giá trị hao phí sức lao động tăng thêm, không công bằng trong cùng hệ thống chính trị.
Đề xuất các giải pháp, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng phải đổi mới theo hướng trả lương theo vị trí việc làm, tăng hệ số giãn cách giữa các thang, bậc lương; hoàn thiện các loại phụ cấp cho phù hợp.
Ông Phan Thái Bình nhấn mạnh cần chú trọng phụ cấp ngành nghề, chuyên môn kỹ thuật cao, phụ cấp chức vụ để tạo động lực cho công chức phấn đấu, thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước.
Chương trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế bộ máy, xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu quả phải gắn với chính sách tiền lương, nâng cao năng lực của cán bộ, công chức.
Cho ý kiến về vấn đề lương, phụ cấp của ngành giáo dục và đào tạo, đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) đề nghị cân nhắc sửa đổi về chế độ, chính sách liên quan đến các cán bộ, công chức, giáo viên ngành giáo dục để đảm bảo công bằng và phù hợp hơn.
Đại biểu Vân đưa ra một ví dụ một hiệu trưởng ở trường trung học cơ sở được điều động về làm lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện chỉ được hưởng phụ cấp công vụ, không được hưởng phụ cấp chức vụ trong khi nhiệm vụ, công tác tăng lên. Ngoài ra, họ còn không được hưởng phụ cấp thâm niên.
Những giáo viên giỏi được điều chuyển công tác về phòng giáo dục huyện không được hưởng khoản phụ cấp nào nếu không thuộc diện huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.
Theo đại biểu Vân, quy định như vậy chưa hợp lý, không đủ động viên, khuyến khích được những người có chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm ở các trường về công tác ở cơ quan quản lý giáo dục.
Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên bao gồm công chức làm quản lý giáo dục có xuất phát điểm là nhà giáo hoặc bảo lưu phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp cho các nhà giáo được điều chuyển về cơ quan quản lý giáo dục.
Theo chương trình, sáng 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Theo TTXVN/VIETNAM+
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Khẳng định phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là đòi hỏi tất yếu, là đột phá chiến lược, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quyết tâm phát triển bằng được ngành này.
Hương Giang
16:17 14/12/2024(Thanh tra) - Con số trên được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 của ngành Xây dựng được Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (14/12).
Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý