Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần phân bổ hợp lý “miếng bánh” ngân sách

Thứ ba, 25/10/2011 - 00:09

Những hạn chế trong nguyên tắc xây dựng, phân bổ ngân sách Nhà nước (NSNN) hiện nay và các giải pháp khắc phục là chủ đề thu hút sự tranh luận của các đại biểu trong phiên thảo luận tổ sáng 24/10, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII.

* Chỉ tiêu chưa sát thực tế

Một số chỉ tiêu trong bản dự toán NSNN 2012 chưa sát thực tế là ý kiến chung của nhiều đại biểu. Đại biểu Đinh Xuân Thảo nhận xét: Nếu Luật Ngân sách chưa sửa đổi được thì rất khó có thể xây dựng các chỉ tiêu sát và phù hợp với tình hình thực tế. Bởi vậy, bàn về ngân sách bao giờ cũng là phần khó khăn nhất. Đại biểu cũng chỉ căn cứ theo các con số được báo cáo và tỷ lệ xây dựng tăng hay giảm chỉ là ước tính so với các chỉ tiêu của năm trước. Trong khi đó, quá trình thu - chi thực tế lại vướng nhiều yếu tố khác khiến các chỉ tiêu này khó bảo đảm cân bằng như mục tiêu xây dựng ban đầu, vì vậy thường xuyên xảy ra tình trạng chuyển vốn.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng: “Tổng chi ngân sách năm 2011 còn vượt nhiều là minh chứng cho thấy việc thực hiện chính sách thắt chặt tài chính chưa tốt. Với dự kiến năm 2012, tăng thu bằng tăng chi ở mức 24,5% là chưa thể hiện nghiêm tinh thần thắt chặt tài khóa; trong khi nguồn thu có thể giảm do ảnh hưởng từ giá dầu thô, tiền sử dụng đất… Vì vậy, tỷ lệ bội chi ngân sách chỉ nên ở mức 4,5%”, ông Hòa nhấn mạnh.

Mặt khác, cần sớm thay đổi phương thức phân bổ ngân sách - đại biểu Trần Du Lịch khẳng định. Phân bổ ngân sách hiện vẫn theo kiểu cân đối, dẫn tới việc “chạy dự án”. Nếu cứ thế sẽ rất khó cắt giảm, hoặc cắt giảm tràn lan, không mục đích. Ông Lịch ví von: “Có 1.000 lít xăng chia đều cho 63 ông chạy ra Côn Đảo, nhưng cứ đến giữa đường thì hết xăng và dừng lại, chờ năm sau cấp xăng lại đi tiếp. Phân bổ hiện nay của chúng ta là như vậy”. Theo ông Lịch, cần phải thay đổi cơ bản, xem cái gì là nguồn thu của Trung ương, cái gì của địa phương. Với địa phương nghèo có thể bao cấp những dịch vụ công, nhưng tỉnh khá hơn thì phải chi từ nguồn thu của mình. Ngân sách Trung ương tài trợ những dịch vụ xã hội theo nhu cầu và phải có giám sát.

Việc phân bổ ngân sách có thể bàn công khai, minh bạch trước Quốc hội, đừng để biến chi tiêu công thành nơi trục lợi của cá nhân - đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị. Trong tổng đầu tư ngân sách chỉ có 20% cho đầu tư phát triển nên tiêu cực có thể ở những lĩnh vực khác, cần giám sát đối với đầu tư công, chi tiêu công. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thẩm tra của Quốc hội giám sát thẩm định dự toán, đừng để đưa vào dự toán những khoản chi bất hợp lý.

* Đầu tư dàn trải sẽ khó tạo đột phá


Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ cần xác định từng lĩnh vực cụ thể để phân bổ hợp lý “miếng bánh” ngân sách. Theo đó, phải xác định được vấn đề gì là đòi hỏi cấp bách nhất hiện nay, tại địa bàn nào và đi sâu phân tích vào từng lĩnh vực cụ thể thì mới xác định được địa phương hay ngành nào cần tăng hoặc phải giảm tỷ lệ phân bổ vốn. Không thể áp dụng tình trạng “cào bằng” mà nên hướng tới hiệu quả thực tế - đại biểu Phạm Quang Nghị chia sẻ.

Đồng quan điểm này, đại biểu Đào Trọng Thi đề xuất nên duy trì và bảo đảm tỷ trọng cho các khoản chi về văn hóa, xã hội, trong đó chú trọng phục vụ an sinh xã hội, giáo dục, y tế, bởi cho dù Trung ương bảo đảm tỷ trọng đối với các khoản chi này, nhưng một số địa phương chưa triển khai đúng. Nhiều địa phương thỏa thuận dành khoản chi cho giáo dục với cơ cấu 80% lương, 20% chuyên môn, nhưng đến khi thực hiện cụ thể thì kinh phí dành cho chuyên môn chỉ còn khoảng 5% vì đã phải dồn hết cho trả lương. Như vậy, sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng giáo dục, đại biểu này dẫn chứng. Tình trạng lạm thu đầu năm tại nhiều cơ sở giáo dục có nguyên nhân bắt nguồn từ kinh phí rót cho các trường rất khó khăn, bởi vậy nhiều khoản thu trong số này phải dành bổ sung cho chi hoạt động chuyên môn. Phải đủ chi phí tối thiểu mới có thể bảo đảm hoạt động chuyên môn tốt. Vì vậy, cần có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ để kinh phí đã phân bổ bảo đảm chi đúng.

Yếu tố đầu tư cho con người rất được quan tâm, tuy nhiên, các đại biểu cho rằng bảo đảm yếu tố lương là tốt, nhưng không thể thu hẹp kinh phí phục vụ hoạt động chuyên môn. Nếu lơ là phần đầu tư cho chuyên môn thì lực lượng công chức Nhà nước không thể đóng góp tốt cho công tác chuyên môn nghiệp vụ để tạo hiệu quả kinh tế chung cho xã hội. Vì vậy, cần cân đối kinh phí dành cho quỹ lương và hoạt động chuyên môn. Đề cập đến nhân lực cũng cần chỉ rõ lĩnh vực nào, thời điểm nào và ngành nghề gì được ưu tiên. Mặt khác, không chỉ nên trông chờ vào ngân sách để phục vụ nguồn lực đào tạo con người mà cần thu hút và khuyến khích tìm kiếm nguồn học bổng, tài trợ quốc tế - đại biểu Đinh Xuân Thảo bổ sung.

Đồng tình với ý kiến xem xét thêm phương án phân bổ ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh bổ sung ý kiến: Cần bố trí hợp lý và chỉnh sửa về các khoản chi hỗ trợ cho nhóm đối tượng là người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, người nghèo, cán bộ công tác tại cơ sở. Trong đó, chú ý vào các hỗ trợ chi trả bảo hiểm xã hội, y tế, lương... để giúp đời sống của nhóm đối tượng này được cải thiện.

Đầu tư dàn trải sẽ khó tạo đột phá để phát triển bởi sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu và thu không đủ chi. Vì vậy, với khoản tăng thu dự kiến hơn 200 ngàn tỷ đồng vào năm 2012 cũng chỉ tương đương với các khoản chi dự kiến nên NSNN cần tập trung cho hệ thống giao thông huyết mạch, bảo đảm hạ tầng theo kịp nhu cầu phát triển; tiếp đến là đầu tư vào phát triển khoa học – đây chính là mũi nhọn để phát triển. Đại biểu Trịnh Thế Khiết đề xuất.

Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Khiếu nại.


Thu Hằng – Hoàng Tùng (TTXVN)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm