Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bồi thường Nhà nước: Không để “đá bóng” trách nhiệm rồi… ngồi cười

Thứ hai, 09/01/2017 - 14:36

(Thanh tra) - Tại phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội (QH) cho ý kiến các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) ngày 9/1, nhiều ý kiến cho rằng, phải xác định rõ trách nhiệm, để tránh tình trạng “thảy” việc, “đá bóng” rồi ngồi cười xem người khác xử lý….

Trước khi cho ý kiến về các vấn đề lớn còn khác nhau của Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), UBTVQH nghe Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: TN

Bồi thường cho Nguyễn Thanh Chấn quá cao

Mở đầu phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: Qua một số vụ như Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và sắp tới là vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), các cơ quan tiến hành tố tụng thấy khó khăn, vướng mắc nhất vấn đề gì trong giải quyết bồi thường oan sai?

Trả lời điều này, theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, khó là định lượng để xác định bồi thường. Còn vốn để bồi thường thì không có gì khó khăn, Bộ Tài chính sẵn sàng đáp ứng. Ví dụ như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, cán bộ vận dụng bồi thường không đúng, dẫn đến khoản bồi thường (7,2 tỷ - PV) là quá cao.

"Chúng tôi đang chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận để bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén, nếu như theo đúng khung quy định của Bộ Tài chính thì mức bồi thường cho ông Nén là rất hạn chế và nó chênh lệch khá cao so với ông Chấn, mặc dù ông Chấn tù oan 10 năm, còn ông Nén là 17 năm", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Hữu Thể cũng nhấn mạnh, nếu có ba-rem thì rất đơn giản khi thương lượng. Cho nên, nếu phần nào quy định “cứng” được thì nên quy định luôn vào luật, phần nào quy định “mềm” thì phải có “lim” (giới hạn - PV).

Đồng ý với phải lượng hóa thiệt hại để có căn cứ tính mức bồi thường, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển lấy ví dụ, nếu người bị oan, sai có lương trước khi bị oan, sai thì dùng mức lương ấy để tính thiệt hại, người không có thu nhập ổn định thì lấy lương cơ sở làm căn cứ tính thiệt hại.

Còn với khoản bồi thường về tinh thần thì phân định 2 loại, loại án nặng làm tinh thần hoảng loạn và loại án ở mức nhẹ. “Phải có lượng hóa để từ đó nhân với số ngày bị oan, sai sẽ rất dễ, nếu không sẽ rất khó cho việc thương lượng, gây nên tranh cãi không có hồi kết”, ông Phùng Quốc Hiển nói.

“Con dại, cái mang”, Nhà nước phải đứng ra bồi thường

Một vấn đề khác, đa số ý kiến đồng ý với nguyên tắc cơ quan nào ra quyết định cuối cùng tạo ra oan, sai thì cơ quan ấy phải đứng ra xin lỗi, bồi thường.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hòa Bình lưu ý, về trách nhiệm phải xử lý cả cơ quan ở giai đoạn trước xét xử để bảo đảm tính cộng đồng trách nhiệm, công bằng. Bởi sai sót của tố tụng xuyên suốt từ giai đoạn điều tra đến truy tố, xét xử.

“Nếu không thì ông điều tra cố tìm cách “thảy” việc sang ông viện kiểm sát rồi ngồi chơi, ông viện kiểm sát cũng “thảy” sang cho ông tòa”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Đồng quan điểm, theo ông Lê Hữu Thể, xác định trách nhiệm thì phải từ cơ quan ở giai đoạn trước, “tránh trường hợp đá quả bóng sang ông sau, hỏng thì ông sau chịu, còn ông ngồi cười xem người khác xử lý”.

Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao nhấn mạnh thêm, cán bộ, công chức là người thay mặt Nhà nước, thay mặt cơ quan công quyền thực thi công vụ. Bởi vậy, khi xảy ra việc thì “con dại, cái mang”, Nhà nước phải đứng ra bồi thường. Sau đó mới xác định tới chuyện bồi hoàn.

Trong bồi hoàn cần xác định rõ, nếu cố ý làm sai thì dứt khoát người làm sai phải đền bù. Trường hợp, do hạn chế trong nhận thức hoặc trình độ yếu kém thì có thể xử lý bằng cách cho chuyển công tác hoặc hạ bậc lương... “Có những điều luật, chúng ta là những người được đào tạo bài bản mà còn tranh luận mãi chưa thống nhất được với nhau, huống chi là cán bộ nhận thức còn hạn chế”, ông Thể nói.

Lấy tiền từ ngân sách

Kinh nghiệm, một số nước trên thế giới có hình thành một quỹ để bồi thường. "Vấn đề này, UBTVQH cần cân nhắc, nếu như không giải quyết được việc này thì từ nay về sau vẫn phải chịu áp lực về câu hỏi tiền thuế của dân không phải để đem đi giải quyết bồi thường", người đứng đầu ngành Tòa án bày tỏ.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, số tiền hàng năm thu được từ các vụ án khoảng 6.000 tỷ đồng, tiền thu được từ việc bán hàng tịch thu từ các vụ án được khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm, các khoản thu từ tòa án cũng được khoảng 600 tỷ đồng mỗi năm. Như vậy, trong khoảng 7.000 tỷ đồng thu được từ việc xử lý các vụ án mỗi năm, Nhà nước có thể trích ra một phần để bồi thường Nhà nước. “Làm như thế sẽ giảm được bức xúc của nhân dân về việc lấy tiền thuế ra bồi thường do sai sót của cán bộ, công chức”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nhất trí, đã là hoạt động của Nhà nước thì phải do ngân sách Nhà nước đảm nhiệm, kể cả khi bồi thường oan, sai. Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển không đồng ý lập quỹ riêng vì nước ta đã có quá nhiều quỹ rồi. Hơn nữa, lấy tiền từ nguồn nào cũng từ ngân sách, nếu rạch ròi ngân sách dùng khoản này để chi cho việc này, khoản khác chi cho việc khác là không hợp lý, không đúng nguyên tắc.

Hơn nữa, tất cả hoạt động của cán bộ Nhà nước mà gây thiệt hại cho người dân thì phải bồi thường. “Không nên đổ cho không khả thi hay điều kiện đất nước, tất cả những oan, sai gây ra cho người dân phải đền bù”, Phó Chủ tịch QH lưu ý.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lưu ý, luật liên quan đến dân, đến các cơ quan tố tụng, nên nhiều nội dung sẽ tiếp tục được bàn thảo kỹ lưỡng. Sau cuộc họp này các cơ quan tiếp tục ngồi lại với nhau, bổ sung hoàn thiện. Tiếp tục tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách cho ý kiến.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Dự án Luật Quản lý ngoại thương; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm