Chiều ngày 20/9, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

So với Luật Đấu thầu hiện hành, dự thảo luật đã sửa đổi 85 điều, bổ sung mới 5 điều, giữ nguyên 2 điều, bãi bỏ 11 điều.

Vướng gì mà Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt vẫn thiếu thuốc?

Một trong những vấn đề được quan tâm là đấu thầu tập trung mua thuốc, trang thiết bị y tế.

“Đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, sâu sắc những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện đấu thầu tập trung, mua thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua để có những quy định cụ thể hơn, hạn chế việc giao Chính phủ quy định chi tiết”, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban cho hay.

Nêu ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói, đấu thầu tập trung thuốc, trang thiết bị y tế đang rất được dư luận quan tâm. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ “có vấn đề gì không mà tổ chức thực hiện lại khó như thế”.

“Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt mà vẫn thấy thiếu thuốc”, ông Thanh nêu và cho rằng, cần làm rõ để thấy luật sửa đổi sẽ khắc phục vấn đề này như thế nào.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu quan điểm, cần phải làm rõ những vướng mắc hiện nay là do luật hay do thông tư của Bộ Y tế ban hành.

“Ta cũng phải giải thích được như chị Phạm Khánh Phong Lan (đại biểu Quốc hội TP HCM) nói, do luật hay do thông tư mà cứ giá trúng thầu lần sau lại thấp hơn giá lần trước. Chị Lan nói có lý, cứ thế thì giá nó về 0. Vậy do luật hay do nghị định, thông tư?”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Theo ông, với lĩnh vực y tế, nhiều trường hợp phải tháo gỡ khó khăn nhưng một mặt phải nghiêm túc và chặt hơn.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, trước đây, nói thuốc biệt dược không đầu thầu được, nhưng khi làm Phó Thủ tướng, ông đã yêu cầu mở thêm một kênh đấu thầu bên bảo hiểm xã hội.

“Kết quả 2 bên làm thì biệt dược vẫn đấu giá được. Vô tư mà giảm giá rất nhiều”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nếu đấu thầu được thì giảm giá hơn rất nhiều.

Mua sắm thuốc, vật tư y tế vướng chủ yếu do nghị định, thông tư

Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, việc ách tắc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả chủ quan và khách quan.

Theo ông, sau dịch nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng vọt, so với cùng kỳ tăng 40% - 60% nhưng dự tính, dự trù không sát thực tế.

Cạnh đó, quá trình dịch vừa qua có tình trạng trên thế giới đứt gãy chuỗi cung ứng, cùng với đó là “tâm lý e dè, đặc biệt là của người đứng đầu”.

Nguyên nhân nữa theo ông Thuấn là, một số đơn vị của Bộ Y tế vừa qua “quá tập trung” vào phòng chống dịch, “ít người việc nhiều”.

Ngoài ra, một số quy định, đặc biệt trong Luật Đấu thầu, bên cạnh thực hiện quy trình theo thầu thông thường còn thêm quy trình trong trường hợp đặc biệt.

Vì vậy, Bộ Y tế dự kiến chỉnh sửa Thông tư 15, phân cấp phân quyền nhiều hơn cho dưới, danh mục thu gọn lại thay vì 106 thuốc thì tới đây khoảng chục loại.

Về ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ông Thuấn nói, đây là ý kiến rất hay.

“Nên chăng, để Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia đấu thầu tập trung thuốc. Nếu làm thế thì quá tốt, giảm gánh nặng cho Bộ Y tế và bộ rất vui mừng, sẵn sàng chuyển giao”, Thứ trưởng Y tế chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: P.Thắng

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, vướng mắc trong đấu thầu của y tế chủ yếu do Nghị định 98 của Chính phủ, Thông tư 14 về mua sắm trang thiết bị vật tư y tế và Thông tư 15 của Bộ Y tế về mua sắm thuốc. Còn tất cả các quy định của Luật Đấu thầu hiện nay không vướng gì.

“Toàn bộ trang thiết bị trang vật phẩm y tế, thuốc, vaccine… chúng ta mua trong quá trình chống dịch vừa qua là không vướng gì”, Bộ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng nêu thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thẩm định từng gói thầu và xây dựng nghị quyết riêng của Chính phủ thì Bộ Y tế mới thực hiện được việc mua sắm đấu thầu.

“Chúng tôi rất vất vả và gặp khó vì không thực hiện thì không làm được, mà làm thì lại vướng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Do đó, ông Dũng cho rằng, những gì cụ thể hoá được trong luật thì nên cụ thể hoá để giảm công việc các bộ, ngành mà vẫn thực hiện thông suốt. Đồng thời phải sửa Thông tư 14, 15 thì khắc phục được vướng mắc này.

Hương Giang