Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tránh nghĩ rằng vụ Vinashin chìm xuồng

Thứ ba, 26/04/2011 - 10:06

Ngày 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) mở đầu phiên họp thứ 39 với việc thảo luận đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9 - kỳ họp cuối cùng của QH khóa XII.

Vinashin đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Trong ảnh: công nhân thi công đóng tàu tại Nhà máy đóng tàu Nam Triệu, Hải Phòng - Ảnh: LÂM HẢI

Các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đồng tình với phát biểu bế mạc kỳ họp của Chủ tịch QH cũng như đánh giá của Văn phòng QH rằng đây là kỳ họp thành công tốt đẹp với tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, kết thúc bốn năm nhiệm kỳ QH khóa XII có nhiều đổi mới, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri. Tuy vậy, cả Chủ tịch QH, hai phó chủ tịch QH và nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ QH cùng nêu hai vấn đề nổi cộm sau kỳ họp được cử tri quan tâm: một là nội dung báo cáo của Chính phủ liên quan đến vụ Vinashin, hai là tình hình lạm phát.

“Tại sao không ai bị kỷ luật?”

Tỉ lệ ứng cử viên nữ, trẻ, ngoài Đảng thấp hơn khóa trước

Chiều 25-4, Hội đồng bầu cử báo cáo Ủy ban Thường vụ QH về tiến độ triển khai công tác bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Theo báo cáo, sau hiệp thương lần thứ ba, có 832 ứng cử viên vào danh sách chính thức bầu cử đại biểu QH. Nhưng vừa có một ứng cử viên ở Hà Nội và một ứng cử viên ở Bạc Liêu xin rút nên danh sách này còn 830 người. “So với cuộc bầu cử QH khóa XII, chỉ có cơ cấu tái cử đạt tỉ lệ cao hơn. Các cơ cấu khác là phụ nữ, dân tộc thiểu số, ngoài Đảng, trẻ tuổi có tỉ lệ thấp hơn” - tổng thư ký Hội đồng bầu cử Phạm Minh Tuyên cho biết. Kết quả thống kê chưa đầy đủ cũng cho thấy một số tỉnh, thành có tỉ lệ ứng cử viên là nữ, ngoài Đảng, trẻ, người dân tộc thiểu số rất thấp.


“Về vụ Vinashin, cử tri nói với tôi so sánh rằng cách đây mấy năm có vụ cháy rừng ở Cà Mau, chủ tịch UBND tỉnh này bị kỷ luật vì quản lý yếu kém. Vụ Lã Thị Kim Oanh, bộ trưởng Lê Huy Ngọ cũng bị xử lý. Vụ PMU 18, bộ trưởng Đào Đình Bình cũng bị kỷ luật. Nhưng vụ Vinashin này lớn hơn nhiều, tại sao không ai bị kỷ luật? Thâm tâm tôi cũng thấy như vậy là chưa thuyết phục” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Lê Quang Bình nói.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết: “Tôi đi nhiều tỉnh, anh em nói là không đồng tình với báo cáo của Chính phủ trước QH, kể cả các anh ở thường vụ tỉnh ủy gặp tôi cũng nói họ không thấy thuyết phục”.

Cũng nói về Vinashin, Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nêu lại ý kiến cử tri: “Tại sao lại nói Bộ Chính trị, trung ương kết luận là không kỷ luật trong khi đang điều tra, thanh tra. Như thế thì mâu thuẫn, đang điều tra đã biết đúng đến đâu, sai đến đâu mà bảo là không kỷ luật?”.

Cũng cho rằng “báo cáo của Chính phủ còn chủ quan, nói như là truyền thông điệp đến QH rằng cái này Đảng quyết rồi nên thôi”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phân tích: “Ở đây cần phân biệt giữa trách nhiệm chính trị trước Đảng với trách nhiệm thực hiện, thi hành pháp luật trước QH. Trước Đảng có thể là các đồng chí không bị kỷ luật, nhưng trước QH các đồng chí phải kiểm điểm xem mình đã thực hiện pháp luật như thế nào, trong vấn đề này có gì thiếu sót hay thiếu hiểu biết về pháp luật hay không?”.

Ngày 21-7, Quốc hội khóa XIII khai mạc kỳ họp thứ nhất

Theo tờ trình của Văn phòng QH, kỳ họp thứ nhất của QH khóa XIII dự kiến khai mạc vào ngày 21-7 và kết thúc ngày 16-8.

Tại kỳ họp này, QH sẽ dành phần lớn thời gian để quyết định về tổ chức, nhân sự: bầu chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH, các ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, thành viên Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH; bầu chủ tịch nước, phó chủ tịch nước; thủ tướng Chính phủ, chánh án TAND tối cao và viện trưởng Viện KSND tối cao; phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách các thành viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh. Trước khi xem xét phê chuẩn các thành viên Chính phủ, QH sẽ quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa mới.

Trình bày trước Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đúng như đại biểu nêu, có một vài vấn đề mà dư luận, nhân dân chưa thỏa mãn thì sẽ được rút kinh nghiệm trong quá trình xử lý tiếp theo. Ví dụ như vụ Vinashin, tới đây sẽ công bố kết quả thanh tra, rồi đưa ra xét xử những người vi phạm pháp luật. Sau đó vi phạm liên quan đến ai thì sẽ xem xét kỷ luật tiếp, chứ không có cách nào khác”.

Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng kết luận: “Về vụ việc Vinashin, đúng là nhiều đại biểu QH, kể cả phát biểu trên hội trường, đã nói là chưa đồng tình. Đi tiếp xúc cử tri chỗ nào người ta cũng nói là chưa đồng tình. Tôi nhớ là trước đó Bộ Chính trị kết luận nhấn mạnh vào bốn nội dung: một là phải cơ cấu lại Vinashin tránh để sụp đổ; hai là thanh tra, điều tra vụ việc để xử lý vi phạm; ba là Ủy ban Kiểm tra T.Ư chủ trì kiểm điểm trách nhiệm; thứ tư là tuyên truyền đúng bản chất sự việc, tạo sự khách quan, đồng thuận xã hội... Đến nay công tác điều tra, thanh tra vẫn chưa xong, cho nên tôi phải nói rõ lại như vậy để tránh việc dư luận nghĩ rằng để nó chìm xuồng, hoặc hiểu là nói thế rồi cho qua” .

Lo ngại lạm phát

Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, đại biểu QH và cử tri đang quan tâm hai vấn đề: một là giá cả tăng cao; hai là việc quản lý vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước, chi tiêu công và tham nhũng. “Các năm trước tháng 4 lạm phát thấp nhất, năm nay lại cao nhất. Trong báo cáo mình cứ nói là bạn bè quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành, nhưng về tiếp xúc cử tri người ta nói là điều hành thế nào mà giá cả tăng cao quá” - Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn nói thêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho hay: “Công nhân người ta rất băn khoăn. Đi ra chợ thì đều gặp các bà, các chị lo lắng về giá cả tăng cao, đời sống rất khó khăn, đồng lương không đảm bảo. Đúng là có nguyên nhân từ khách quan, nhưng có vấn đề điều hành của Chính phủ khi đồng loạt cho tăng giá nhiều thứ quá. Giải pháp nâng cao đời sống công nhân phải thế nào?”.

Chia sẻ với các ý kiến trên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: Đúng là tình hình lạm phát cao ở các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Trung Quốc và đặc biệt là VN. Nhưng với những biện pháp đã đề ra, hi vọng những tháng cuối năm lạm phát sẽ giảm. Tuy nhiên tháng 5 thì chưa hi vọng nhiều. Vấn đề quan trọng nhất là hỗ trợ người lao động, đảm bảo đời sống nhân dân. Chính phủ sẽ thực hiện nghiêm các giải pháp đề ra như cắt giảm đầu tư công, thắt chặt lạm phát... Trong tình trạng đó có thể có sự đổ bể trong một số doanh nghiệp, nhưng cũng là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất.

Cũng tại phiên họp này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ QH cho rằng không nên đánh giá việc QH chưa thông qua dự án Luật thủ đô như là chuyện gì bất thường mà là điều bình thường trong hoạt động lập pháp. “Dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, chưa đảm bảo yêu cầu nên QH chưa thông qua. Chứ cứ nói việc này chứng tỏ bản lĩnh, dấu ấn đặc biệt của QH thì không phải. Chẳng lẽ QH không thông qua Luật thủ đô là có bản lĩnh, còn việc thông qua các luật khác là không có bản lĩnh” - Tổng bí thư, Chủ tịch QH phân tích.

(Theo TTO)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm