Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của Quốc hội

Thứ sáu, 15/06/2012 - 22:06

(Thanh tra) - Sáng nay (15/6), trả lời chất vấn trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Nền kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu hồi phục.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời thẳng thắn những chất vấn của Quốc hội

Tích cực giám sát, phát hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng

Trong 8 vấn đề lớn được cử tri cả nước và Quốc hội quan tâm, chất vấn, vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) đã được Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tham nhũng, lãng phí tuy đã từng bước được kiềm chế, song vẫn còn nghiêm trọng, chưa được đẩy lùi, còn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý ngân sách nhà nước; thu thuế, phí; quản lý, sử dụng vốn tài sản trong doanh nghiệp nhà nước; tín dụng ngân hàng; công tác cán bộ; quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp... gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Về giải pháp phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng khẳng định: Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo và phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; chú trọng cả phòng và chống tham nhũng, lãng phí với tinh thần kiên quyết, kiên trì liên tục, đúng pháp luật, sớm khắc phục những hạn chế yếu kém để tạo chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới. Trong đó trọng tâm là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; gắn việc thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khoá XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Đồng thời, Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng, đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, khắc phục các sơ hở, bất cập dễ bị lợi dụng để tham nhũng. Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng nhân dân cả nước tích cực giám sát đối với hoạt động của cán bộ, cơ quan nhà nước, góp phần ngăn chặn, phát hiện, xử lý các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Về KN, TC, Phó Thủ tướng cho rằng: Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm đến công tác giải quyết KN, TC của công dân trên tinh thần vừa bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân theo đúng quy định của pháp luật, công khai minh bạch, vừa giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, xử lý nghiêm minh những người lợi dụng KN, TC để vi phạm pháp luật. Chính phủ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2012 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC. Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã trực tiếp chỉ đạo xử lý một số vụ việc KN, TC đông người, phức tạp, kéo dài, các vụ việc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hơn công tác giải quyết KN, TC; tổ chức đối thoại với người KN, TC, thực hiện công khai minh bạch, huy động sự tham gia của luật sư, các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình giải quyết KN, TC, bảo đảm giải quyết có lý, có tình, dứt điểm từ cơ sở. Đồng thời, tiếp tục chấn chỉnh công tác bồi thường, thu hồi đất, nhất là trong thực hiện cưỡng chế của các địa phương. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận và tự giác chấp hành, trong trường hợp buộc phải cưỡng chế thì cần có phương án chặt chẽ, đúng pháp luật.

Kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn nhất

Các đại biểu Quốc hội đã chất vấn trực tiếp về một số vấn đề được cử tri cả nước và Quốc hội quan tâm, trong đó có nền kinh tế đang gặp khó khăn; hiệu quả hoạt động quản lý sản xuất của các tập đoàn kinh tế; giải pháp khắc phục trong thời gian tới của Chính phủ…

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt vấn đề về nền kinh tế biến động, nạn tham nhũng lãng phí xảy ra liên tục gây bất bình dư luận. Nếu không sớm hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng XHCN thì Việt Nam khó thoát khỏi lạc hậu. Vậy giải pháp nào của Chính phủ trong thời gian tới?

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) băn khoăn hỏi, năm 2012, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, liệu nền kinh tế nước ta có suy giảm hay không? Đã qua giai đoạn khó khăn nhất hay chưa?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trình Quốc hội còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, nhiều từ “có thể”, nhận định chưa rõ nét? Vậy, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã thấy việc tổ chức thực hiện đề án tổng thế tái cơ cấu nền kinh tế đã chắc chắn chưa? Nếu chưa thí điểm đề án, mà không đạt kết quả thì ai chịu trách nhiệm? Có thể thay bằng giải pháp nào?

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) chất vấn: Từ khi xảy ra vụ Vinashin, qua ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội có đề xuất, cần tăng tính công khai minh bạch trong hoạt động, Thủ tướng phải buộc các Tập đoàn, Tổng Công ty này công bố thông tin như các Công ty niêm yết chứng khoán. Nhưng tại sao tới nay vẫn chưa làm mà chỉ khi Thanh tra vào cuộc mới biết?

Thẳng thắn trả lời từng vấn đề đại biểu chất vấn, Phó Thủ tướng cho biết, về trách nhiệm của Chính phủ trong chỉ đạo chống tham nhũng và tiêu cực, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ là cơ quan hành pháp quản lý toàn diện đất nước, mỗi một thất thoát, một hiện tượng tiêu cực trong xã hội đều có trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Chính phủ đã nhận thức và phân công, phân cấp việc xử lý giải quyết, đặc biệt có chương trình quản lý hiệu quả hơn hoạt động của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước để phát huy hiệu quả nguồn lực này, chống thất thoát, lãng phí.

Câu hỏi về nền kinh tế đất nước đã qua giai đoạn khó khăn nhất trong khủng hoảng kinh tế chưa, Phó Thủ tướng khẳng định: "Chúng ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn. Cụ thể, thời gian qua (quý I), tăng trưởng thấp (4%), nhiều doanh nghiệp giải thể, nhưng quý 2, tăng trưởng đã khá hơn, doanh nghiệp giải thể ít hơn, hàng tồn kho ít hơn. Căn cứ vào những tiêu chí đánh giá, nền kinh tế đất nước đã bước đầu có những dấu hiệu khả quan. Có thể nói, chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu hồi phục".

Nhưng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Mục tiêu của Chính phủ là không để lạm phát quay trở lại. Chúng ta đặt mục tiêu lớn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, là mục tiêu nhất quán trong sự điều hành của Chính phủ thời gian tới. Tăng trưởng tới đây có thể ở mức 6%, lạm phát từ 7-8%".

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về đề án tái cơ cấu nền kinh tế còn nhiều điểm thiếu khả thi, chưa thuyết phục, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã có nhiều cố gắng để xây dựng và trình Quốc hội đề án này.

Giải pháp sắp tới là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện môi trường kinh doanh tốt hơn. Chính phủ có trách nhiệm trong vấn đề này, sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ rà soát thủ tục hành chính trong năm 2013, niêm yết công khai thủ tục hành chính tại những cơ quan hành chính và thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại của cử tri trong việc giải quyết thủ tục hành chính tại cấp xã, phường.

Quan trọng hơn nữa là vấn đề cán bộ, đề nghị các cấp chính quyền tăng cường những cán bộ tốt, có năng lực làm ở những nơi đang "nóng" như vấn đề đất đai, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Sau 2,5 ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định, các đại biểu Quốc hội đã nêu rõ câu hỏi, đi thẳng vào vấn đề, các thành viên Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm, nhận rõ trách nhiệm liên quan thuộc phần quản lý của mình.

Chiều nay (15/6), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật biển Việt Nam.

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất