Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

CHỖ Ở HỢP PHÁP, BẢO ĐẢM DIỆN TÍCH THEO QUY ĐỊNH ĐƯỢC ĐĂNG KÝ THƯỜNG TRÚ TẠI THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Thứ bảy, 08/06/2013 - 18:55

(Thanh tra) – Đó là một trong những điều kiện bổ sung khi đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, đã được các đại biểu đồng tình trong buổi thảo luận sáng nay (8/6) ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú (nguồn QH)

Trước đó, ngày 24/5/2013  dự án luật này đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Theo tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú gồm nội dung cơ bản: Sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi bị nghiêm cấm; về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; về thay đổi nơi đăng ký thường trú trong trường hợp chuyển chỗ ở hợp pháp; về đăng ký tạm trú; về lưu trú và thông báo lưu trú.

Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong Luật cư trú hiện hành và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, nhất là ở khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương. Tuy nhiên, vẫn còn một số điều, khoản trong dự thảo luật đã được các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ.

Cần quy định cụ thể về hành vi bị nghiêm cấm

Dự thảo Luật dự kiến bổ sung hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm quy định nghiêm cấm hành vi giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho đăng ký thường trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi.

Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc bổ sung nghiêm cấm hai hành vi như trong dự thảo Luật, vì cho rằng đây là những hành vi phổ biến mà một số người dân hay lợi dụng để đăng ký thường trú; việc bổ sung nghiêm cấm các hành vi này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý những người có hành vi trái pháp luật về cư trú. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng nội dung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm này còn chưa rõ ràng, chưa làm rõ nội dung của việc giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị cân nhắc một số nội dung cụ thể trong dự thảo luật vì sẽ khó thực hiện trong thực tế. Việc xác định hành vi trục lợi theo đại biểu Cương không phải là dễ, dù có trục lợi, nhưng để tránh vi phạm pháp luật thì cả chủ nhà lẫn người xin đăng ký vào đó không bao giờ khai là có chuyện trục lợi và trong trường hợp công an không chứng minh được là có trục lợi thì không thể xử lý được

Cùng quan điểm trên, đại biểu Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng) nhấn mạnh việc phải có quy định cụ thể trong sửa đổi quy định đồng ý cho người khác đăng ký cư trú vào chỗ ở của mình để trục lợi. Như thế nào là trục lợi – đại biểu Thắm đặt vấn đề -  trên thực tế có việc này xảy ra nhưng việc điều tra kết luận để xử lý vấn đề này không có tính khả thi cao. Vì theo quy định Điều 20 của luật thì phần lớn các trường hợp liên quan đến các quy định đăng ký thường trú đều có liên quan họ hàng thân thích với nhau. Bên cạnh đó một phần người lao động đến làm ăn, sinh sống, học tập thì việc trục lợi như thế nào? là những hành vi gì?

Bàn về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cho rằng dự thảo sửa đổi lần này chủ yếu mới tập trung vào hành vi của công dân, giả điều kiện để được đăng ký thường trú hay cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi. Dự thảo chưa quy định những hành vi của cán bộ công chức nhà nước, người có thẩm quyền cho phép công dân đăng ký thường trú. Do đó, bà Khánh đề nghị bổ sung thêm 2 hành vi bị nghiêm cấm dành cho cán bộ công chức các cơ quan nhà nước. Cụ thể, cho đăng ký thường trú mà không được người có sổ hộ khẩu đồng ý và cho đăng ký thường trú vào nhà ở không bảo đảm diện tích tối thiểu theo quy định của Luật nhà ở.

Phải có quy hoạch chiến lược lâu dài

Theo dự thảo Luật, ngoài quy định phải có chỗ ở hợp pháp thì công dân còn phải đáp ứng điều kiện về thời gian tạm trú là 1 năm (giữ thời hạn như quy định hiện hành) nếu đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc là 2 năm nếu đăng ký thường trú vào quận của các thành phố này. Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định công dân được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương khi có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì còn phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân và phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại quận nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương như vậy vẫn chưa giải quyết được vấn đề người dân tập trung cư trú đông ở nội thành. Bởi lẽ, người dân cư trú tại đó là để sống và làm việc, không phải vì không được đăng ký thường trú mà họ không sinh sống tại nội thành. Do vậy, ý kiến này đề nghị cần có giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội khắc phục vấn đề tập trung dân cư vào nội thành của các thành phố lớn trực thuộc trung ương

Thảo luận về điều kiện đăng ký hộ khẩu thường trú, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) băn khoăn việc quy định cho đăng ký thường trú vào chỗ ở, cho thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức. Trong thực tế - ông Tính cho rằng đây là quan hệ dân sự, tức là hợp đồng thuê, mượn, ở nhờ, mà việc chấm dứt quan hệ thuê, mượn, ở nhờ là hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào theo quy định của pháp luật về dân sự nếu một trong hai bên vi phạm cam kết. Do đó, đề nghị nên quy định chặt chẽ, cụ thể hơn việc cho đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ phải đảm bảo thời gian cư trú bao lâu để được đăng ký hộ khẩu thường trú.

Về quy định điều kiện diện tích bình quân đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ, đa số ý kiến đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật giao cho Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định về diện tích bình quân để phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho rằng điều này phù hợp với tình hình thực tế của mỗi thành phố và cũng phù hợp với Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cụ thể tại Khoản 4, Điều 18 luật này quy định. Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư ở đô thị. Đồng thời đại biểu Thúy cũng đề nghị bỏ xác nhận của Ủy ban nhân dân Phường về điều kiện diện tích bình quân chỗ ở nói trên.

Đồng tình với việc nâng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm áp dụng đối với công dân đăng ký vào huyện, thị xã, thành phố trực thuộc Trung ương là phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Kha (TP Cần Thơ) nhận định - Đây cũng là giải pháp tình thế, trong điều kiện hiện nay sự quá tải về dân cư tập trung chủ yếu vào nội thành, muốn giãn dân cư nội thành cần phải có quy hoạch chiến lược mang tính lâu dài.

Bên cạnh những vấn đề trên, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật Cư trú vẫn còn sửa đổi, bổ sung chưa nhiều các vấn đề còn bất cập ở Luật cư trú hiện hành. Theo đại biểu Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng), luật lần này có quá ít nội dung được sửa đổi, chỉ có 5 điều được sửa đổi trong khi lĩnh vực cư trú và đăng ký cư trú đang có nhiều vấn đề cần được điều chỉnh và có quy định chung thống nhất cả thành phố và khu vực nông thôn.

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) khẳng định việc Luật cư trú hiện hành thiếu các quy định cụ thể để quản lý người tạm trú, người lưu trú là trẻ em và người chưa thành niên, thiếu quy định chi tiết về trách nhiệm của Bộ công an trong quản lý cư trú nêu tại Điều 33 của luật hiện hành nên công tác quản lý người cư trú, lưu trú đối với đối tượng trẻ em và người chưa thành niên chưa đem lại hiệu quả cao ở nhiều địa phương. Kẻ xấu đã lợi dụng điều kiện này để xâm hại, và xâm hại tình dục trẻ em, sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật. Do đó, bà Minh cho rằng cần bổ sung vào Điều 30 của Luật hiện hành về đăng ký tạm trú về trường hợp người đăng ký tạm trú chưa đủ 18 tuổi yêu cầu phải có ý kiến của người giám hộ hoặc có văn bản chứng minh được mối quan hệ gia đình giữa chủ hộ và người đăng ký tạm trú. Đồng thời, đề nghị bỏ đoạn từ đủ 14 tuổi trở lên vì bất cứ đối tượng nào đến lưu trú thì các gia đình, các cơ sở chữa bệnh v.v.... đều phải có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với công an xã, phường, thị trấn, chứ không thể chỉ thông báo những đối tượng đủ 14 tuổi trở lên như quy định của luật hiện hành./.

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm