Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trẻ em có bị ảnh hưởng lâu dài khi tiêm vaccine COVID -19?

Hương Giang

Thứ sáu, 18/02/2022 - 21:13

(Thanh tra) - Trước những lo ngại về việc trẻ em có bị ảnh hưởng lâu dài khi tiêm vaccine COVID -19, chuyên gia y tế khẳng định, vaccine chỉ tạo ra những kháng thể chống đỡ lại virus, không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người.

PGS.TS. Trần Minh Điển chia sẻ, trước một mũi tiêm vaccine COVID -19 cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng, không chỉ với phụ huynh mà còn cả với những người làm y tế. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: moh.gov.vn

Chiều 18/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức TS.a đàm “Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng”.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm có: PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM).

Tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi “rất thành công, an toàn”

Là người dẫn chương trình tọa đàm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi với PGS.TS. Dương Thị Hồng về việc tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi trên thế giới hiện nay như nào?

PGS.TS. Dương Thị Hồng cho hay, hiện đã có 60 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi.

“Việc sử dụng vaccine cho trẻ ở độ tuổi này theo khuyến cáo, số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới và của nhà sản xuất thì tính an toàn của cũng tương tự như với vaccine sử dụng cho người lớn và trẻ từ 12 tuổi cho đến dưới 18 tuổi”, bà Hồng thông tin.

Liên quan đến chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, theo đánh giá của bà Hồng là “rất thành công”. Hiện Việt Nam đã đạt 17 triệu mũi, trong đó mũi tiêm thứ nhất đạt trên 97%; mũi thứ hai đạt 94,6%.

“Quá trình triển khai tiêm cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi rất an toàn, chỉ từ 0,5 đến dưới 10% các cháu được ghi nhận có phản ứng thông thường”, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nêu, phản ứng thông thường của trẻ Việt Nam nhẹ hơn so với số liệu đã từng được ghi nhận ở nhiều nước khi có nơi đến 50-80% trẻ có biểu hiện đau, mệt mỏi.

PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Ảnh: Nhật Bắc

Bà Hồng cũng cho biết, có vài trường hợp ghi nhận phản ứng viêm cơ tim, nhưng với sự hướng dẫn chi tiết, chuẩn bị kỹ từ trước nên đã xử trí rất kịp thời, không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.

“Đây là chiến dịch được ghi nhận với số liệu rất an toàn, hoàn toàn nằm trong những khuyến cáo mà Tổ chức Y tế Thế giới cũng như nhà sản xuất đưa ra”, bà Hồng khẳng định.

“Hiệu quả ban đầu của việc tiêm vaccine trong phòng chống lây nhiễm, điều trị COVID-19 ở nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi thì đánh giá thế nào?”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đặt câu hỏi.

PGS.TS. Trần Minh Điển khẳng định, hiệu quả của vaccine đều được đánh cơ bản hữu hiệu để đẩy lùi COVID -19. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khuyến cáo phải đẩy mạnh bao phủ vaccine, đặc biệt với người có nguy cơ, nhóm yếu thế - trong đó có trẻ em.

“Tại Hà Nội, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhóm trẻ được tiêm chủng đã đi học. Nếu các cháu nhiễm COVID-19 thì tình trạng nhẹ, chưa có trường hợp nào được tiêm chủng từ 12 - 17 tuổi phải nhập viện, giảm đáng kể dấu hiệu chuyển nặng”, PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh.

Với Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng cũng cho biết, sau tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi từ tháng 11/2021, số nhập viện giảm hẳn. Cụ thể tháng 11/2021, có 163 cháu nhập viện thì đến tháng 1/2022 chỉ có 75 trường hợp.

“Có nhiều yếu tố dẫn đến trẻ em nhập viện giảm. Tuy nhiên tiêm vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ca mắc và nhập viện”, PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng nhận định.

Trước một mũi tiêm vaccine cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Sĩ Dũng cũng nêu lên những lo lắng của nhiều bậc cha mẹ về những rủi ro có thể xảy ra sau khi trẻ từ 5-11 tuổi tiêm vaccine như sốc phản vệ, kể cả trường hợp tử vong, thậm chí có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ sau này.

“Đó là những lo lắng rất dễ hiểu, tự nhiên của các bậc cha mẹ. Chúng ta cần phải thấu hiểu. Các vị khách mời thấy sao?”, ông Dũng hỏi.

Trả lời vấn đề này, PGS.TS. Trần Minh Điển chia sẻ, trước một mũi tiêm vaccine COVID -19 cho trẻ em, chúng ta đều lo lắng, không chỉ với phụ huynh mà còn cả với những người làm y tế.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng và PGS.TS. Trần Minh Điển thảo luận tại tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

“Chúng tôi đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn tốt hơn cho phụ huynh, đồng thời nghiên cứu kỹ dữ liệu an toàn cũng như hiệu quả vaccine cho đối tượng này…”, theo ông Điển, Hoa Kỳ rất khắt khe nhưng cũng đã cấp phép vaccine tiêm cho trẻ em.

Trước những lo ngại về ảnh hưởng lâu dài với trẻ em, PGS.TS. Trần Minh Điển khẳng định, vaccine chỉ tạo ra những kháng thể chống đỡ lại virus, không xâm nhập vào nhân tế bào - nơi chứa các vật liệu di truyền của cơ thể con người.

“Đây là cơ chế khoa học, khẳng định rằng không ảnh hưởng đến về lâu dài, cũng như về di truyền đối với trẻ em”, ông Điển nhấn mạnh.

Về những phản ứng sau tiêm trong 5 - 10 ngày, chuyên gia cũng khẳng định không đáng lo ngại, vì cũng giống như tiêm cho trẻ lớn hơn và cho người lớn lâu nay.

PGS.TS Dương Thị Hồng thông tin, với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại vaccine khác nhau. Như với trẻ em từ 5 - 11 tuổi sẽ sử dụng vaccine do Hãng Pfizer Biontech sản xuất, tuy nhiên hàm lượng kháng nguyên hoàn toàn toàn khác với vaccine đã tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi.

“Hàm lượng vaccine ở đây chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn. Cách thức triển khai, pha vaccine, đóng lọ và số liều vaccine trong một lọ tới đây chúng tôi sẽ phải tập huấn rất kỹ lưỡng. Có sự khác so với lọ vaccine tiêm cho trẻ lớn”, bà Hồng cho biết.

Bà Hồng lưu ý rằng, vaccine tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi là một vaccine mới. Dù đã có kinh nghiệm thì cán bộ y tế cũng phải học nghiêm túc, tập huấn lại để có thao tác thực hành tiêm chủng an toàn, xử trí phản ứng sau tiêm.

“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục báo cáo với Bộ Y tế và duy trì cách thức tổ chức như các chiến dịch trước, đặc biệt là công tác cấp cứu và xử trí phản ứng sau tiêm. Công tác trực cấp cứu 24/24 giờ sau những đợt tiêm chủng là vô cùng quan trọng”, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nói thêm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

(Thanh tra) - Những ngày cuối năm 2024, thông tin về hàng triệu người dùng SIM di động tại Việt Nam có nguy cơ bị khóa hoặc mất số khiến không ít người hoang mang lo lắng. Vậy trong trường hợp nào, SIM sẽ bị khóa, số bị thu hồi và người dùng cần làm những gì để tránh rơi vào các trường hợp này?

Hoàng Nam

09:11 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm