Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lao động ngành Du lịch trong trạng thái “bình thường mới”

Thứ bảy, 01/05/2021 - 06:00

(Thanh tra )- Để đẩy mạnh phục vụ khách du lịch nội địa và đáp ứng yêu cầu phục vụ khách quốc tế khi điều kiện cho phép trong thời gian sắp tới, việc tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Để chuẩn bị mở cửa đón khách, nguồn nhân lực du lịch buộc phải đổi mới, hiểu biết công nghệ số. Ảnh: PV

Khẩn trương bù đắp "tổn thất" nhân lực ngành Du lịch

Trong năm vừa qua, không một ngành lao động nào lại chịu nhiều tổn thất như lao động thuộc ngành Du lịch. Trên cả nước hàng vạn nhân viên lao động nghỉ việc. Có nơi, những người giữ vị trí cao như tổng, phó tổng quản lý đã phải nghỉ không lương, có những nhân viên du lịch còn phải chuyển nghề, chạy grab kiếm thêm thu nhập…

Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, thiệt hại do Covid-19 rất lớn. Năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 79,5%, khách nội địa giảm 34%, tổng thu du lịch giảm 58,7%; gần 60% lao động mất việc làm hoặc cắt giảm lao động. Trong đó, có khoảng 1/4 lực lượng lao động nhân lực chất lượng của ngành Du lịch dịch chuyển sang các ngành khác, hàng chục ngàn hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn và phải tạm thời "thất nghiệp”. Theo tính toán của các chuyên gia du lịch, chúng ta có thể phải mất hàng thập kỷ mới trở lại như thời điểm trước năm 2020.

Bên cạnh đó, lĩnh vực lữ hành, lực lượng lao động nòng cốt của du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2020 có gần 400 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi cấp giấy phép, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2019, đây là tổn thất lớn cho du lịch Việt Nam mà chúng ta thấy được rõ ràng nhất, bởi các doanh nghiệp lữ hành là người trực tiếp làm dịch vụ đón khách, đưa khách đến Việt Nam.

Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, vấn đề nhân lực ngành Du lịch trong bối cảnh dịch bệnh luôn được quan tâm và việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là một yếu tố quan trọng cần phải thực hiện ngay từ bây giờ, khi các chương trình kích cầu đang được đẩy mạnh.

Đồng thời, ngay từ bây giờ chúng ta cần tích cực bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, để chuẩn bị sẵn sàng lực lượng cho việc thu hút khách quốc tế trở lại và phục vụ phát triển du lịch Việt Nam.

Theo ông Chung, có 2 vấn đề quan trọng nhất cần đặc biệt chú ý trong việc hỗ trợ của Nhà nước hiện nay, đó là hỗ trợ các chính sách về thuế, phí cũng như các chính sách về tài chính cho các doanh nghiệp du lịch để các doanh nghiệp giảm áp lực trong điều kiện không có thu nhập hiện nay để duy trì, không bị phá sản là giải pháp hàng đầu. Thứ 2 là chính sách hỗ trợ lao động cho ngành Du lịch, như chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, cũng như các chế độ khác để lao động du lịch không bỏ ngành Du lịch, không chạy việc từ ngành Du lịch sang các ngành khác.

Ông Chung cho rằng, để có thể khôi phục được lực lượng lao động có tay nghề cao (chuyên gia, quản trị) của ngành Du lịch đã dịch chuyển sang các ngành khác là một bài toán rất khó khăn và chắc chắc ngành Du lịch cần phải đào lại nguồn nhân lực để bù đắp lại sự thiếu hụt do dịch chuyển đó. Mà trong điều kiện hiện nay, khi các doanh nghiệp chưa tập trung cao độ cho việc đón khách, phục vụ khách, nên chúng ta có thời gian, có điều kiện để bố trí các lớp tập huấn, bồi dưỡng rồi xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của mình.

“Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã làm rất tốt việc này, để vừa góp phần duy trì số lượng nhân lực, từng bước bồi dưỡng nâng cao chất lượng để từng bước có đủ năng lực chuyên môn đón khách trở lại”, ông Chung cho biết.

Các doanh nghiệp du lịch cũng cần xây dựng cơ chế lương, thưởng linh hoạt để thu hút, giữ chân và phát huy vai trò nhân lực chất lượng cao làm việc tại doanh nghiệp. Có chính sách thích hợp nhằm tạo môi trường học tập thực tế cho sinh viên ngành Du lịch của các cơ sở đào tạo về du lịch trên địa bàn, cũng như tích cực trong việc hợp tác với các cơ sở đào tạo, nhằm hỗ trợ, tài trợ cho một số dự án đào tạo phát triển nhân lực du lịch tại cơ sở đào tạo.

Nhân lực du lịch trong cách mạng công nghệ số

 Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, những sản phẩm du lịch gắn với công nghệ đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch của mỗi du khách, từ việc lựa chọn điểm đến cho đến thời gian lưu trú và trải nghiệm, sau cùng là những kỷ niệm được lưu giữ từ chuyến đi. Sự phát triển thị trường với sự góp mặt của những thế hệ tiêu dùng mới, cũng là một trong những lý do thay đổi tích cực đối với mô hình du lịch. Những khách du lịch này thích đi du lịch trong sự đam mê công nghệ mới, điều này tạo nên một bối cảnh mới, trong đó các phương tiện truyền thông xã hội, các ứng dụng công nghệ, blog, mạng xã hội và thời gian du khách dành cho nó trong suốt chuyến đi là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm của mỗi du khách.

Do nhận thức được sự thay đổi, ngành công nghiệp du lịch cũng đã có những điều chỉnh trong mô hình kinh doanh và cung cấp sản phẩm của mình để thu hút đối tượng khách hàng, đồng thời đạt được mục tiêu kinh doanh.

Đặc biệt, với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian đầu năm 2020, với những dự đoán về xu hướng trong tiêu dùng, thương mại và xu thế phát triển cùng sự xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số, theo nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc sẽ làm cho ngành công nghiệp du lịch có những chuyển biến sâu sắc. Chẳng hạn: Đối với cá nhân có nhu cầu đi du lịch, đầu tiên phải tìm địa chỉ, tìm trên mạng, tìm kiếm chỗ lưu trú, các phương tiện đi lại và giá cả hợp lý nhất, mua vé máy bay rồi các chỉ dẫn đường đi… Chính điều này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi mạnh mẽ sang công nghệ số hóa.

Đồng thời cần trả lời các câu hỏi: Khi khách du lịch tới Việt Nam, hoặc khách Việt Nam đi du lịch tới các điểm đến mới, họ không biết sẽ phải đi đâu? ở đâu? ăn gì? xem gì? mua gì?... Hiện nay, tất cả các thông tin đó được số hóa trên các ứng dụng có thể cài đặt lên điện thoại di động, dữ liệu số đã trở thành yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp du lịch.

“Do vậy đội ngũ nhân sự của ngành Du lịch Việt Nam cần phải nắm vững các kiến thức và kỹ năng liên quan đến ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động du lịch”, ông Chung nhấn mạnh.

Đối với các cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, phần lớn đều có trình độ, chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm có khả năng truyền đạt tốt cho sinh viên nhiều kiến thức trên lớp học, tuy nhiên vẫn chưa thật sự khai thác tối đa và cập nhật lượng kiến thức mới, chưa tích cực trong việc ứng dụng các thiết bị công nghệ trong tìm kiếm thông tin, chưa đẩy mạnh hướng dẫn, đào tạo sinh viên nghiên cứu thực hành thông qua môi trường internet… Vì thế, để đáp ứng nhu cầu hiện nay, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh hướng dẫn, đào tạo sinh viên nghiên cứu thực hành thông qua môi trường internet.

Ngoài ra, cần quan tâm đưa tiếng Anh chuyên ngành vào chương trình giảng dạy du lịch. Nếu không giỏi ngoại ngữ, những nhân viên trong ngành Du lịch cũng khó hoàn thành tốt nhiệm vụ và phát triển nghề nghiệp chuyên môn, không thể giúp khách du lịch hiểu tường tận về văn hóa Việt Nam và quảng bá hình ảnh đất nước ra bên ngoài, do vậy cần quan tâm đào tạo sinh viên du lịch khi tốt nghiệp ra trường với khả năng tiếng Anh tốt.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Có chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong cả nước gắn với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác đào tạo.

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

(Thanh tra) - Thời gian qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lào Cai đã có chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhờ tiếp tục thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Nam Dũng

21:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm