Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 01/11/2022 - 10:08
(Thanh tra) - “Các cơ quan chức năng có liên quan xác minh và cung cấp thông tin càng chậm là cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang trong xã hội…”, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận và cho hay, khó khăn trong xử lý tin giả là việc xác minh tin đồn là tin giả hay tin có căn cứ.
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, khó khăn hiện nay trong xử lý tin giả là việc xác minh tin đồn là tin giả hay tin có căn cứ. Ảnh: Đ.X
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp 4 Quốc hội khóa XV sáng ngày 4/11.
Báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tin giả, thông tin xấu độc phát tán thì nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới thì vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước.
Vì vậy, những thông tin vi phạm pháp luật này tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở mạng xã hội xuyên biên giới.
“Tin giả, thông tin xấu độc chủ yếu xuất hiện và lan truyền trên các trang mạng xã hội nước ngoài. Nguyên nhân chính là do các mạng xã hội này luôn tránh né việc xử lý, ngăn chặn chúng”, Bộ trưởng cho hay.
Cạnh đó, một bộ phận người sử dụng mạng xã hội vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh”, sẽ không bị phát hiện, xử lý nên tự do “xả rác” - tự do phát ngôn, đăng tải thông tin lên mạng thiếu kiểm soát, thậm chí vi phạm pháp luật.
Ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm
Theo báo cáo, 2 năm qua, trên các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Youtube, TikTok lan truyền rất nhiều tin giả liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19; gần đây rộ lên các tin giả về vụ kit test Việt Á, vụ án lừa đảo thao túng giá đất, giá cổ phiếu của Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát…
Với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, từ năm 2021 đến nay, Bộ Thông tin Truyền thông và các Sở Thông tin Truyền thông đã ban hành 591 quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm với tổng số tiền hơn 6,1 tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2021, cơ quan chức năng đã xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh-Timmy tại TP HCM, kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương.
Cạnh đó, khởi tố và bắt tạm giam Nguyễn Phương Hằng, Đặng Như Quỳnh về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
“Hiện các cơ quan chức năng đang thực hiện các quy trình tố tụng theo quy định của pháp luật và sẽ sớm đưa vụ án ra xét xử”, Bộ trưởng thông tin.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở Thông tin Truyền thông đã ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm thông tin trên mạng với tổng số tiền phạt gần 2 tỷ đồng.
Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google (Youtube), TikTok... ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm. Tỷ lệ chặn, gỡ trung bình đạt trên 93%.
Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: “Hội những người vỡ nợ thích làm liều”, “Hội những người muốn tự tử”, “Hội đồng phê”...
Ngoài ra, đã gỡ bỏ 11 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức. Youtube đã ngăn chặn 6 kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1.500 video clip).
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rất chủ động chỉ đạo các đơn vị chức năng của bộ kiên quyết, kiên trì triển khai đấu tranh quyết liệt, buộc các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, Tiktok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu độc, tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm.
Tuy nhiên, một số mạng xã hội nước ngoài lớn Facebook, Youtube… lấy lý do không có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tự do ngôn luận, tự do Internet để tìm cách tránh việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Khó xác minh tin đồn là tin giả hay tin có căn cứ
Khẳng định thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt đấu tranh nhằm ngăn chặn kịp thời nguồn thông tin vi phạm, cũng như xử lý nghiêm các đối tượng phát tán tin giả, thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng, song Bộ trưởng Hùng nhìn nhận, khó khăn hiện nay trong xử lý tin giả là việc xác minh tin đồn là tin giả hay tin có căn cứ.
“Các cơ quan chức năng có liên quan xác minh và cung cấp thông tin càng chậm là cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những tổ chức, cá nhân”, Bộ trưởng nhìn nhận.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều dịch vụ và phương thức cung cấp nội dung mới phát sinh trên mạng như livestream trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, phát tán nhanh, khi có vi phạm về nội dung thì mức độ ảnh hưởng lớn, gây bức xúc trong xã hội trong khi việc yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy trình mất thời gian.
Trong khi đó, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp thường rất ít phản ánh, khiếu nại tới cơ quan chức năng hoặc khởi kiện theo quy định dẫn đến không đủ căn cứ để xử lý vi phạm.
Để khắc phục, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng liên quan khác trong việc kiểm tra, xác minh, điều tra, truy vết và xác định các hành vi, đối tượng vi phạm các quy định về nội dung thông tin để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường đổi mới công nghệ trong công tác rà quét, phân tích dữ liệu, nhằm phát hiện kịp thời nguồn phát tán thông tin vi phạm để có biện pháp xử lý phù hợp; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Giải pháp nữa là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước, Bộ cũng sẽ nghiên cứu, có chính sách phù hợp để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất sản phẩm có giá trị văn hóa, tinh thần phục vụ nhu cầu của độc giả theo phương châm “lấy xây để chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đẩy mạnh phát triển nội dung thông tin có ích trên mạng”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hàng trăm triệu đồng trong tài khoản ngân hàng của khách hàng tại miền Trung – Tây Nguyên đã bị mất sạch chỉ vì làm theo hướng dẫn của kẻ giả danh nhân viên điện lực. Trong nửa tháng qua, đã có 4 trường hợp bị lừa đảo, trong đó có trường hợp khách hàng bị mất gần 350 triệu đồng.
N. Phó
14:42 07/12/2024(Thanh tra) - Ngày 6/12, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua công tác nắm tình hình phát hiện các đối tượng dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo để cắt ghép hình ảnh khuôn mặt của nạn nhân vào các hình ảnh, video, clip có nội dung “nhạy cảm” để thực hiện các hành vi lừa đảo, đe dọa tống tiền.
Vũ Linh
21:42 06/12/2024Trần Quý
10:19 06/12/2024TK
10:19 06/12/2024Vũ Linh
16:01 05/12/2024N. Phó
Nam Dũng
Lê Phương
Lê Phương
Phương Anh
Minh Thắng
Hương Giang
Hương Giang
Cảnh Nhật
VG
TC
Trần Quý