Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Quảng Ninh xử lý 880 trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy

Trọng Tài

Thứ tư, 24/08/2022 - 14:13

(Thanh tra) - 8 tháng năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 22 vụ cháy, làm chết 1 người, thiệt hại về tài sản ước tỉnh gần 16,6 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 880 trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC&CNCH), phạt tiền trên 2,1 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động đối với 31 trường hợp.

Vụ cháy xảy ra ngày 21/7/2022 tại phường Trần Phú, TP Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Dương

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có trên 16.300 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC.

Cùng với công tác kiểm tra, xử lý, Công an tỉnh đã tổ chức trên 600 buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC&CNCH cho gần 60.000 lượt người; tổ chức 322 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC&CNCH.

Đến nay, hầu hết các cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ đều đã có phương án chữa cháy và CNCH của lực lượng cảnh sát PCCC…

Tuy nhiên, công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Các điều kiện hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác PCCC&CNCH chưa đồng bộ; các đơn vị cảnh sát PCCC được bố trí phân tán, khoảng cách xa, khó khăn cho việc tập trung huy động lực lượng xử lý các tình huống cháy lớn; một số quy định về công tác CNCH còn bất cập.

Đặc biệt, công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện các quy định về PCCC còn chưa toàn diện; 1 bộ phận người dân, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh còn chủ quan, xem nhẹ công tác phòng ngừa cháy nổ…

Ngày 23/8, tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH 8 tháng năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCCC&CNCH tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng đặc biệt lưu ý đến việc giảm thiểu nguy cơ, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác PCCC ở các khu nhà cao tầng, siêu cao tầng bằng biện pháp kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý triệt để vi phạm.

Cơ quan chuyên môn rà soát, báo cáo, tham mưu lại cho UBND tỉnh hiện trạng, nguy cơ và biện pháp khắc phục nguy cơ xảy ra cháy tại các chợ cũ đã xuống cấp; nguy cơ cháy nổ tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; nguy cơ cháy tại các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện, sản xuất hàng hóa có nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư…

Đồng thời, quan tâm đến công tác phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra cháy, diễn tập PCCC…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc, có đủ tính răn đe, không xử phạt để tồn tại đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về PCCC.

Từng sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình đảm bảo tốt các nhiệm vụ, trong đó chú trọng đến việc quản lý rủi ro, kiểm soát, phát hiện, xử lý ngay từ nguy cơ, coi trọng công tác phòng là trước hết, đặt an toàn về tính mạng của người dân lên trên hết…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm