Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ sáu, 14/01/2022 - 06:36
(Thanh tra)- Theo lực lượng quản lý thị trường (QLTT), càng về cuối năm, tình hình buôn lậu càng diễn biến phức tạp về cả mức độ và số lượng, liên tiếp xuất hiện nhiều chiêu trò rất tinh vi, xảo quyệt nhằm qua mặt cơ quan chức năng…
Lực lượng QLTT Hà Nội phát hiện hàng giả, hàng nhái. Ảnh: CTV
Thực trạng đáng lo ngại
Cục QLTT Hà Nội cho biết, trong năm 2021, Cục đã kiểm tra, xử lý 4.042 vụ, phạt tiền gần 43 tỷ đồng. Trong đó, có 1.807 vụ nhập lậu, 761 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng. “Buôn bán hàng giả, hàng nhái... là thực trạng rất đáng lo ngại”- Cục QLTT Hà Nội nhận định.
Đáng lưu ý, càng về cuối năm, tình hình buôn lậu càng diễn biến phức tạp với hình thức tinh vi. Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên phân tích, hàng lậu được hợp thức hóa theo hình thức quay vòng chứng từ, hóa đơn, nhiều chủng loại và chia nhỏ, vận chuyển thành nhiều đợt để trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát. Gần đây, một số đối tượng chọn thuê kho có địa điểm ở một số vùng ngoại thành Hà Nội để tập kết, tàng trữ và tiêu thụ hàng lậu.
Tại Bắc Ninh, Cục trưởng Cục QLTT Nguyễn Văn Giáo cho biết, thủ đoạn buôn lậu chủ yếu là mua gom tại biên giới các loại hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng cấp thấp... Lợi dụng chính sách cư dân biên giới, cơ chế hậu kiểm sau khi mở hồ sơ khai hải quan điện tử tại các cửa khẩu, trà trộn hàng hóa phi pháp vào hàng hóa hợp pháp vận chuyển vào nội địa.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, hoạt động kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, mua, bán online, dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính... phát triển nhanh và được lựa chọn nhiều. Lợi dụng tình hình này, nhiều chiêu trò tinh vi đã được các đối tượng buôn lậu lợi dụng.
Trước những diễn biến phức tạp, Cục QLTT Bắc Ninh đã có những giải pháp đấu tranh. Năm qua, Cục QLTT tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý 362 vụ vi phạm các quy định trong lĩnh vực kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, xử lý 7 vụ vi phạm hàng cấm; 130 vụ vận chuyển, buôn bán hàng lậu; 69 vụ vi phạm về hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, chuyển cơ quan công an khởi tố 3 vụ vi phạm hàng giả có giá trị lớn; 57 vụ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá, mã số mã vạch; 63 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng và 13 vụ vi phạm an toàn thực phẩm…
Cục QLTT tỉnh cũng tiến hành lập biên bản phạt hành chính các trường hợp vi phạm và bán hàng tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hơn 6,7 tỷ đồng; trị giá hàng không có giá trị sử dụng đem tiêu hủy ước đạt 2,4 tỷ đồng. Bên cạnh công tác kiểm tra, Cục QLTT đã tiến hành 3 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời chấn chỉnh những vi phạm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Cục trưởng Cục QLTT Bắc Ninh dự báo, năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn ra, do vậy, hình thức kinh doanh thương mại điện tử được lựa chọn nhiều hơn nên cũng khó khăn hơn trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT. Bên cạnh đó, hành vi vận chuyển, buôn bán hàng lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả không giảm mà còn diễn biến hết sức phức tạp…
Nhằm hạn chế việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường nội địa, Cục trưởng Cục QLTT Bắc Ninh cho biết, thời gian tới, các đội QLTT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, TP đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt trên các kênh thương mại điện tử để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái pháp luật.
Cùng với đó, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành; tăng cường điều tra, khảo sát cụ thể, lựa chọn lĩnh vực như môi trường, hóa chất, kinh doanh đa cấp trá hình trái pháp luật, phân bón, hoạt động gia công hàng hóa tạm nhập tái xuất để xây dựng phương án kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tại Hà Nội, cuối năm cũng là lúc các mặt hàng giả, hàng nhái “lên ngôi”, bày bán công khai ở nhiều chợ. Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục kiểm tra định kỳ, trọng tâm, trọng điểm là những lĩnh vực bánh kẹo, rượu, bia, xăng dầu, những hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả.
Còn theo quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Sở sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý.
Đồng thời, sẽ kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã về công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022. Tổ chức kiểm tra kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng như việc chấp hành quy định về giá bán hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn.
Nhiều năm qua, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã được các lực lượng chức năng nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả, rất cần sự chung tay của người dân trong việc bài trừ các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ… có như vậy, nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái mới có thể được đẩy lùi.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 triệu đồng đối với ông Nguyễn Đức Thắm, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa vì điều khiển xe ô tô trên đường mà có nồng độ cồn vượt quá 0,4 mligam/1 lít khí thở.
Văn Thanh
12:35 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 11/12, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo thông tin về việc cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Tây Đô (Cty Tây Đô) có địa chỉ ở số 49 Hạc Thành, phường Ba Đình, TP Thanh Hóa. Cty Tây Đô là chủ đầu tư dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại Khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa.
Trần Lê
20:21 11/12/2024Trung Hà
15:34 11/12/2024Văn Thanh
14:45 11/12/2024Trần Quý
13:02 11/12/2024TK
13:26 10/12/2024Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình
CB
Hải Hà
Chính Bình
Trọng Tài
Thái Hải