Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Khởi tố 96 vụ, 111 bị can tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Xuân Thống

Thứ tư, 15/06/2022 - 16:32

(Thanh tra)- Thực hiện Chỉ thị số 21/2020/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tỉnh Nghệ An đã chủ động, kịp thời lãnh, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác phòng, chống, đấu tranh, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ và nhân dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội, chủ động phòng ngừa.

Công an Nghệ An bắt đối tượng Nguyễn Thị Vân Anh giả danh Báo Thanh tra để lừa đảo chiếm đoạt hơn 9 tỷ đồng (tháng 4/2022). Ảnh: Hậu Anh

Ngày 13/6, tỉnh Nghệ An có báo cáo sơ kết năm thứ 2 thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ 25/5/2021 đến 24/5/2022, lực lượng công an đã thụ lý, giải quyết 166 tố giác, tin báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản (trong đó, tiếp nhận mới 144 tin, kỳ trước chuyển qua 22 tin). Giải quyết 146 tin (đạt tỷ lệ 88%); đang giải quyết 20 tin. Công an các đơn vị, địa phương đã đấu tranh khám phá thành công 32 chuyên án lớn; khởi tố 96 vụ, 111 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, thu hồi tài sản có tổng trị giá khoảng 15 tỷ đồng trả lại cho bị hại.

Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 21, UBND tỉnh đã chủ động, kịp thời ban hành kế hoạch, các công văn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, cũng như công tác phòng, chống hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn.

Các ngành chức năng đã tích cực phối hợp triển khai có hiệu quả các mặt công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg, gắn với các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm, tạo chuyển biến tích cực trong toàn xã hội, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ và nhân dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội, chủ động phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm.

Nổi bật là Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật với nhiều hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp với tình hình thực tế, trong đó chú trọng  tuyên truyền phòng, chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng...

Các cơ quan, đơn vị đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình nổi bật, tiêu biểu trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, như: “Tự phòng, tự quản về an ninh trật tự”, “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải, tự phát hiện tố giác tội phạm”...

Chỉ đạo lực lượng công an tổ chức hiệu quả “Diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân” tại hơn 800 khu dân cư, xã, phường, thị trấn. Lựa chọn, tổ chức họp dân tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm hình sự; qua đó, đã tiếp nhận hơn 200 tin báo về hoạt động lừa đảo, trong đó có nhiều tin báo có giá trị, giúp lực lượng công an đấu tranh hiệu quả với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Trong công tác phát hiện, tiếp nhận, điều tra, xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lực lượng công an đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh hiệu quả với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, bảo đảm 100% tin báo, tố giác tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều được tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định.

Báo cáo cũng đánh giá những khó khăn trong đấu tranh với phương thức, thủ đoạn phạm tội của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng hầu hết đều có trình độ, am hiểu công nghệ thông tin, phạm vi hoạt động, gây án rộng, nhiều đối tượng ở ngoại tỉnh, ở nước ngoài, sử dụng thông tin cá nhân giả, số điện thoại, tài khoản giao dịch ngân hàng của người khác, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động... nên công tác xác minh, điều tra, thu thập tài liệu gặp rất nhiều khó khăn. Công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực, như tài chính, ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, đất đai, công chứng... còn bộc lộ tồn tại, sơ hở, thiếu sót để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21 gắn với các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng.

Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông tin rộng rãi, kịp thời, công khai, minh bạch trong nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế, an sinh xã hội, dự án bất động sản, quy hoạch xây dựng... Tuyên truyền, thông báo về hành vi, thủ đoạt hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình, kịp thời giải quyết các vấn đề nổi lên về tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Tổ chức trấn áp, tấn công mạnh mẽ, xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; phối hợp chặt chẽ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm