Theo dõi Báo Thanh tra trên
Xuân Thống - Phan Giang
Thứ tư, 21/02/2024 - 14:16
(Thanh tra)- Bằng cách chọn các mô hình phù hợp với thực tế tình hình tại địa phương, các tổ chức, đoàn thể ở huyện miền núi Quỳ Hợp đã huy động sức mạnh toàn dân vào công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Việc thực hiện mô hình đã phát huy tốt vai trò của nhân dân trong việc tham gia đấu tranh tố giác các loại tội phạm, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Các ngành, đoàn thể ở xã Châu Cường, Quỳ Hợp ký giao ước đảm bảo ANTT. Ảnh: Phan Giang
Hiệu quả từ mô hình “Tiếng kẻng bình yên” ở xã vùng cao
Xã Châu Tiến với hơn 90% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, tập trung nhiều tài nguyên khoáng sản quý hiếm như đá trắng, quặng thiếc, quặng sắt... nên có nhiều doanh nghiệp đến khai thác, chế biến. Bên cạnh những thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, vẫn còn tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự (ANTT), đặc biệt là các tệ nạn trộm cắp, ma túy, mại dâm, gây gổ đánh nhau nơi công cộng thường xuyên xảy ra.
Trước tình hình đó, tháng 3/2014, Công an huyện Quỳ Hợp đã lựa chọn xã Châu Tiến để triển khai xây dựng thí điểm mô hình “Tiếng kẻng bình yên”. Nội dung hoạt động của mô hình là việc sử dụng các hiệu lệnh kẻng (tiếng kẻng học bài, tiếng kẻng bình yên, tiếng kẻng báo động, tiếng kẻng báo yên) để thông báo cho người dân biết và chấp hành các quy định về giờ giấc sinh hoạt, tham gia hỗ trợ lực lượng Công an trong đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật trong lúc khẩn cấp…
Nhận thức được tầm quan trọng của tiếng kẻng ở địa phương, lúc bấy giờ, cấp ủy, chính quyền xã Châu Tiến đã giao Ban Công an xã tham mưu xây dựng mô hình "Tiếng kẻng bình yên" tại tất cả xóm, bản. Mô hình hoạt động dựa vào sự đoàn kết và ủng hộ của toàn bộ người dân trong xóm, bản, nguồn kinh phí hoàn toàn do nhân dân tự đóng góp.
Bước đầu triển khai, đã tổ chức lắp đặt 9 chiếc kẻng tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của các xóm, bản. Tại mỗi địa bàn cấp xóm có phân công 1 ban điều hành do xóm trưởng, trưởng bản làm trưởng ban, có nhiệm vụ phân công, điều hành các thành viên trực đánh kẻng hoặc tham gia tuần tra đảm bảo ANTT vào các ngày trong tuần. Mô hình hoạt động mang tính chất tự quản, tự phòng, tự hòa giải theo quy ước, hương ước của xóm, bản.
Ông Lang Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã, nguyên Trưởng Công an xã Châu Tiến là người có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì mô hình này cho biết: Từ khi hình thành mô hình, Ban Công an xã đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc xã, các thành viên của mặt trận, ban cán sự xóm, bản đề ra chương trình hoạt động, chế độ giao ban và sơ, tổng kết theo định kỳ, với “cơ chế hoạt động” đơn giản, không cần phải đầu tư nhiều trang thiết bị, phương tiện, dễ dàng tiếp cận đối với mọi tầng lớp nhân dân, hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán của bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Khi tiếng mõ, tiếng kẻng vang lên, các gia đình ở xã vùng cao Châu Tiến lại nhắc nhau đã đến giờ “giới nghiêm”, không gây ồn ào hoặc ra ngoài khi không có việc cần thiết. Từ khi có "Tiếng kẻng bình yên", tinh thần cảnh giác của người dân trong phòng ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội được nâng lên rõ rệt. Các vụ việc như tranh chấp đất đai, con cái, cha mẹ bất hòa xảy ra ở các xóm, bản đều được hòa giải, thấu tình, đạt lý, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Bà con tại các xóm, bản nơi đây cho biết, lâu nay, tình hình an ninh trật tự ở Châu Tiến được bình yên là nhờ một phần vào tiếng mõ hàng đêm…
Nhận thấy hiệu quả thiết thực của mô hình "Tiếng kẻng bình yên" tại xã Châu Tiến, đầu năm 2015, cấp uỷ, chỉ huy Công an huyện Quỳ Hợp đã thống nhất mở rộng xây dựng mô hình ở xã Châu Cường. Lúc bấy giờ, để mô hình thực hiện có hiệu quả, nhân dân các xóm, bản ở địa phương còn đóng góp hơn 182 triệu đồng để mua và lắp đặt 285 kẻng và búa gõ kẻng, 302 gậy tầm vông và quần áo trang bị cho lực lượng tự quản.
Từ khi mô hình "Tiếng kẻng bình yên" đi vào hoạt động, các nẻo đường thôn, xóm trên địa bàn huyện Quỳ Hợp trở nên bình yên hơn bởi tinh thần cảnh giác cao và sự đoàn kết của người dân trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm. nhân đân tại các địa phương đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị cho lực lượng Công an.
Chị Lý Thị Hương, trú bản Nhọi cho hay, người dân rất đồng lòng tham gia "Tiếng kẻng bình yên", bởi trật tự xóm, bản được đảm bảo thì mỗi gia đình sẽ được bình an.
Một thập kỷ duy trì và phát huy hiệu quả mô hình trong nhân dân
Từ khi triển khai mô hình “Tiếng kẻng bình yên” đến nay, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã được nhân rộng tại 67 xóm, bản trên địa bàn 11 xã gồm: Châu Cường, Châu Hồng, Châu Thành, Châu Tiến, Liên Hợp, Châu Thái, Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn, Thọ Hợp, Nghĩa Xuân với hơn 400 người trực tổ kẻng và hơn 660 người tham gia tổ tuần tra. Để mô hình thực hiện có hiệu quả, nhân dân các xóm, bản đã đóng góp hơn 180 triệu đồng để mua và lắp đặt kẻng, trang bị gậy tầm vông và quần áo trang bị cho lực lượng tự quản.
Quá trình thành lập và đi vào hoạt động có nền nếp, các ban chỉ đạo thực hiện mô hình tại các xã luôn chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung theo quy chế hoạt động đã đề ra. Đồng thời, phối hợp với cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc xây dựng, triển khai thực hiện mô hình.
Gần một thập kỷ, "Tiếng kẻng bình yên" đã trở thành âm thanh quen thuộc đối với người dân ở huyện miền núi Quỳ Hợp. Tiếng kẻng không chỉ báo thức, báo giờ học tập, báo yên mà còn là hiệu lệnh huy động lực lượng ứng cứu khi có vụ việc phức tạp xảy ra... Thông qua mô hình, quần chúng nhân dân đã phối hợp với lực lượng Công an cơ sở phát hiện và bắt giữ 125 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật cùng hàng nghìn vụ việc nhỏ liên quan đến ANTT xảy ra trên địa bàn huyện.
Nhờ việc duy trì và phát huy hiệu quả mô hình “Tiếng kẻng bình yên”, đã có hàng trăm tập thể, cá nhân được Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và Giám đốc Công an tỉnh cùng chính quyền các cấp tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Với những hiệu quả thiết thực đó, "Tiếng kẻng bình yên" được xem là một mô hình tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn huyện miền núi Quỳ Hợp nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.
Việc thực hiện mô hình không chỉ góp phần đưa sinh hoạt của người dân đi vào nền nếp, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư mà còn phát huy tốt vai trò của nhân dân trong việc tham gia đấu tranh tố giác các loại tội phạm, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Qua đó, tiếp thêm động lực, niềm tin để bà con nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, gắn kết tình đoàn kết trong cộng đồng, tạo môi trường cho nhân dân chung tay cùng với cấp uỷ chính quyền thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh tại địa phương.
Bài 2: Thiết thực, hiệu quả các mô hình hướng về cơ sở
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 21/11, Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lào Cai tiến hành trục xuất Guan Jun Feng (sinh năm 1971, quốc tịch Trung Quốc) có hành vi hoạt động không đúng mục đích nhập cảnh đã khai báo ban đầu.
Nam Dũng
20:50 21/11/2024(Thanh tra) - Công an TP Hải Phòng cho biết, vào khoảng 0 giờ 15 phút rạng sáng ngày 21/11, tại vũ trường New MDM (lô 26D, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an TP đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng Công an TP tiến hành kiểm tra vũ trường này.
TK
15:51 21/11/2024Trần Kiên
20:44 20/11/2024Hoàng Nam
20:35 20/11/2024Cảnh Nhật
17:05 20/11/2024Hương Trà
18:49 19/11/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương