Hiện toàn tỉnh có 103,44/315 km đê cấp I đến cấp III và 228,36/693 km đê cấp IV đến cấp V thiếu cao trình so với thiết kế; nhiều đoạn đê có chiều rộng mặt nhỏ, hẹp; trong tổng số 610 hồ chứa, 1.023 đập dâng, 891 trạm bơm tưới, tiêu và gần 16.000 km kênh mương các loại, có nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp; tình trạng cây cối, bụi rậm phát triển mạnh trên mái đê, chân đê, trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, gây khó khăn cho công tác tuần tra, canh gác, phát hiện sự cố; xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê đã làm hư hỏng mặt đê...

Ngay từ đầu năm, qua đánh giá hiện trạng hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, đã xác định được 34 vị trí đê điều xung yếu và 86 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; các chủ đầu tư đang tổ chức triển khai thi công 25 hồ chứa nước, 65 công trình đê điều.

Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản giao các ban ngành chức năng tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024, trong đó yêu cầu Sở NN&PTNT thông báo danh mục các vị trí đê điều xung yếu, hồ chứa bị hư hỏng, mất an toàn trước mùa mưa, lũ năm 2024 đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị quản lý để chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình.

Phối hợp, đôn đốc các nhà thầu tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều xong trước mùa mưa, lũ và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão. Đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập cấp huyện, thị xã thực hiện tốt công tác đánh giá an toàn đập, đảm bảo quy định hiện hành và phù hợp với hiện trạng công trình, nhằm đảm bảo an toàn và tích nước phục vụ sản xuất.

Kiểm tra, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê khắc phục, sửa chữa kịp thời các hư hỏng mặt đê để đảm bảo an toàn công trình đê điều trước mùa mưa, lũ năm 2024 và các năm tiếp theo.

Các đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình, nhất là các vị trí, khu vực trọng điểm xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt. Trong đó, căn cứ phương án được duyệt, chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ cho từng tuyến đê, công trình thủy lợi; ngoài vật tư dự trữ của Nhà nước hiện có trên địa 3 bàn, cần có kế hoạch huy động vật tư trong Nhân dân để sử dụng trong trường hợp xảy ra sự cố (kể cả vật tư, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn). Chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, các khu vực được đê bảo vệ trong điều kiện xảy ra bão, lũ lớn, kể cả trường hợp mưa, lũ cực đoan vượt tần suất thiết kế.

Tổ chức vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cống qua đê, cửa khẩu qua đê, cửa van, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp có sự cố vận hành; bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ các hồ chứa.  

Chủ động bố trí nguồn kinh phí để xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa mưa, lũ và tu bổ các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra khi có lũ, bão. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạng mục công trình thủy lợi, đê điều đang tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng đảm bảo chất lượng, an toàn chống lũ, bão và có phương án bảo đảm an toàn cho công trình khi có lũ, bão. Tuyệt đối không cắt xẻ đê và không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi, đê điều nhằm kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đê điều…

Văn Thanh