Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhìn từ một sự kiện dành cho trẻ em

Ngô Quốc Đông

Thứ năm, 14/09/2023 - 20:11

(Thanh tra) - Năm nào cũng vậy, trước rằm tháng 8 Âm lịch cả tháng, khi trời vẫn nóng, đã có rất nhiều các gian hàng bánh Trung thu bày bán ở nhiều hè phố Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại đây người ta thấy đủ các loại bánh từ mặn, ngọt, chay với các mẫu mã từ truyền thống cho đến các hình dạng bánh hiện đại như tam giác, hình tròn, hình bông hoa tới các mẫu bánh làm như hình gà, cá, ngựa...

Các thương hiệu cũng rất nhiều từ những hãng bánh kẹo lớn cho đến những hãng mới nổi. Như vậy Trung thu ngày nay không chỉ hạn định vào một ngày rằm tháng 8, dành cho thiếu nhi. Mà nó là một dịp để người ta kinh doanh và tung ra thị trường các sản phẩm nhằm thu về lợi nhuận.

Nhìn các quầy bánh bày bán khắp nơi mới thấy sức mua và tiêu thụ của thị trường này không nhỏ. Trong các hội nhóm bà mẹ, chị em trên mạng, cũng đua nhau làm bánh Trung thu handmade (thủ công) rồi đăng ảnh. Mọi người ăn và bình phẩm.

Tại một số tiệm bánh cổ truyền, từng dòng người chen nhau xếp hàng mua bánh để tìm lại cái cảm giác khoái khẩu của bánh nướng, bánh dẻo mà họ đã ăn từ thời bao cấp. Đọc báo cho thấy, càng cận ngày Trung thu, lực lượng chức năng bắt giữ hàng nghìn chiếc bánh nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tất cả những điều này cho cho chúng ta thông điệp: Trung thu ngày nay người ta nhấn mạnh đến việc ăn và thưởng thức các dạng bánh hơn là chơi. Và rõ hơn, đối tượng của Trung thu là trẻ em, nhưng dường như sản phẩm bánh lại phục vụ đa phần người lớn. Vậy nên ngày nay Trung thu đã không còn riêng cho con trẻ. Nó dành cho tất cả mọi người, rất nhiều người lớn và người già cùng ăn bánh Trung thu.

Dịp Trung thu, khi mà người dân, các hãng kinh doanh, nhà phân phối đẩy cao sự tiêu dùng và hưởng thụ hơn là quan tâm đến sự kiện này dành cho thiếu nhi, sẽ thấy cái phần hội cho trẻ em dễ rơi vào đơn điệu và tẻ nhạt. Vậy người già mới nhìn thấy Trung thu của trẻ em ngày nay mà nhớ về những đội lân mà họ từng là thành viên từ mấy mươi năm về trước. Ngày đó, tuy nghèo chỉ có lồng đèn kéo quân, đèn cá chép tự chế, thêm chút bánh truyền thống, bưởi, chuối, bánh đa trong mâm cỗ rằm Trung thu mà họ thể không quên. Còn trẻ em ngày nay, nói tới Trung thu là nghĩ ngay đến bánh kẹo, đến siêu thi, đi công viên và cùng lắm là mua mấy đồ chơi, chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc.

Từ đây nhìn rộng ra, mới thấy các sản phẩm giải trí từ phim hoạt hình, sân khấu, kịch nghệ, trò chơi dân gian cho trẻ em thành phố dịp Trung thu ngày nay đã biến chuyển quá nhiều. Nó nhường chỗ cho các hoạt động mua sắm, tiêu dùng và kinh doanh thương mại.

Nhiều tỉnh đã coi Trung thu là dịp để phát triển và thu hút khách du lịch. Điển hình nhiều năm qua, Tuyên Quang đã làm thành công Lễ hội Thành Tuyên, với những màn rước các con giống khổng lồ cùng các màn biểu diễn đường phố và hóa trang đặc sắc. Khách du lịch, nhất là các em thiếu nhi chắc hẳn sẽ có những điều đáng nhớ nếu trải nghiệm sự kiện này. Mô hình festival này đáng để ngành chức năng suy nghĩ thêm trong việc phát huy linh hoạt các giá trị truyền thống vào khung cảnh hiện đại.

Ngày nay, người ta không thể đòi hỏi một Trung thu giản dị như trong xã hội truyền thống với ánh trăng sáng ngời nơi miền quê cùng với tiếng trống múa lân rộn rã xóm làng. Nhưng có thể vẫn có người cảm thấy buồn và hụt hẫng nếu như một vài thành tố cơ bản của các giá trị truyền thống của Trung thu nhạt nhòa hoặc biến mất trong những dịp này ở nơi phồn hoa đô thị. Phải chăng đó cũng là điều cần suy nghĩ của một số ban, ngành chức năng văn hóa?

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm