Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Triển khai đồng bộ, toàn diện công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Thái Hải

Thứ hai, 15/07/2024 - 08:47

(Thanh tra) - Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chú trọng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện.

Toàn cảnh sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ VHTTDL. Ảnh: TH

Công khai, minh bạch dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm

Theo Bộ VHTTDL, để triển khai công tác PCTN, tiêu cực năm 2024, Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch công tác PCTN, tiêu cực. Tại kế hoạch đã chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tăng cường nhận thức và sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác PCTN, tiêu cực; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác này; thực hiện và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực, nhất là công tác PCTN, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã ban hành kế hoạch PCTN, tiêu cực năm 2024, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác năm 2024 của cơ quan, đơn vị mình và triển khai thực hiện.

Đồng thời, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, đặc biệt là giáo dục liêm chính, Ban Cán sự Đảng Bộ VHTTDL đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khối nghệ thuật đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép các nội dung về PCTN, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động vào công tác quản lý, hoạt động biểu diễn của cơ quan, đơn vị; giao Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức một buổi biểu diễn có nội dung tuyên truyền về công tác PCTN, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính phục vụ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời sửa đổi những văn bản đã lỗi thời, không còn phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2023; kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024; kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2024. Qua rà soát, chưa phát hiện quy định pháp luật còn thiếu, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng.

Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ngành VHTTDL năm 2024. Đồng thời, Bộ VHTTDL ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024.

Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm kịp thời phổ biến quy định pháp luật trong các lĩnh vực Bộ quản lý đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân, trong đó có lồng ghép các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực. Hình thức tuyên truyền, phổ biến ngày càng phong phú, đa dạng; nội dung phổ biến thiết thực, phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, tiêu cực và các quy định pháp luật của ngành được thực hiện thông qua các hình thức. Bộ VHTTDL và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức 8 cuộc phổ biến, tuyên truyền, số lượng người tham gia là 376 người.

Trong kỳ báo cáo, Bộ VHTTDL chưa thực hiện thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN, tiêu cực.

Để thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động, Bộ VHTTDL xác định phải hoàn thiện thể chế, luật hóa các quy trình, thủ tục hành chính để công khai, minh bạch trong hoạt động của ngành nói chung và tại mỗi cơ quan, đơn vị nói riêng. Đặc biệt là công khai, minh bạch trong công tác quản lý tài chính, quản lý, sử dụng tài sản công, công tác tổ chức cán bộ, kết quả công tác thanh tra, kiểm toán,…

Trong kỳ báo cáo, Bộ VHTTDL đã thực hiện đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ số liệu dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, định mức phân bổ dự toán chi ngân sách giai đoạn 2023-2025 và quyết toán ngân sách năm 2022 của Bộ.

Tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện công khai, minh bạch dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm, các khoản thu và việc sử dụng các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Công tác công khai, minh bạch về tài chính của Bộ VHTTDL đã được các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc triển khai thực hiện.

Xác minh tài sản, thu nhập đối với 40 người

Đối với việc kiện toàn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ được thực hiện trên cơ sở đề xuất, nhận xét đánh giá của tập thể lãnh đạo, cấp ủy đơn vị, ý kiến của tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định. Trong kỳ báo cáo, kết quả kiện toàn công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của Bộ VHTTDL.

Việc công khai kết luận thanh tra được thực hiện theo quy định tại Điều 79 Luật Thanh tra năm 2022, Mục 1 Chương IV Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra. Trong kỳ báo cáo, Bộ VHTTDL đã công khai 25 kết luận thanh tra.

Trong kỳ báo cáo, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã tiến hành kiểm tra các quy định về công khai, minh bạch tại 17 đơn vị trực thuộc. Qua kiểm tra, chưa phát hiện vi phạm.

Bộ VHTTDL cũng đã ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2024, quyết định xác minh tài sản, thu nhập đối với 40 người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc thẩm quyền quản lý và kiểm soát của Bộ tại 18 đơn vị thuộc Bộ. Bộ đã tiến hành xác minh đối với 38 người, đã kết thúc việc xác minh, đang xây dựng báo cáo kết quả xác minh.

Trong kỳ báo cáo, cơ quan, đơn vị trực thuộc cũng đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại 8 đơn vị trực thuộc. Qua kiểm tra, chưa phát hiện vi phạm.

Trong kỳ báo cáo, qua công tác thanh tra, Bộ VHTTDL chưa phát hiện các hành vi tham nhũng tại cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chưa được tăng cường. Quá trình tổ chức thực hiện còn có tồn tại, hạn chế, một số cơ quan, đơn vị chưa chú trọng kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý các tồn tại, tránh phát sinh những vi phạm.

Việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng còn lúng túng, khó khăn, vướng mắc do gắn với vị trí việc làm và đặc thù chuyên môn. Công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ còn khó khăn, vướng mắc trong việc xác định đối tượng kê khai hằng năm, cách thức kê khai…

Tăng cường công tác thanh tra, gắn nội dung thanh tra quản lý tài chính và tài sản công

Thực hiện mục tiêu từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Bộ VHTTDL, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt trong đấu tranh PCTN, tiêu cực, do đó trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh, có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCTN cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tiếp tục tăng cường, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hoá, gia đình, thể thao và du lịch theo quy định.

Tăng cường công tác thanh tra, gắn nội dung thanh tra công tác quản lý tài chính và tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với nội dung kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong các đơn vị trực thuộc Bộ nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực và phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư, quản lý tài chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.

Tiếp tục rà soát các quy định, quy chế, thủ tục hành chính để bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định, quy chế không còn phù hợp; phát hiện các cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính còn phức tạp hoặc có sơ hở dễ bị lợi dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực để kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan làm cơ sở cho công tác PCTN, tiêu cực.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm