Sự việc này không chỉ đặt ra câu hỏi về tính công bằng trong xét tuyển đại học mà rõ ràng còn bộc lộ những bất cập trong hệ thống thi cử và tuyển sinh hiện nay.

Nhìn lại bảng điểm chuẩn khối C00 tại nhiều trường đại học, chúng ta mới thấy có lẽ điểm đậu đại học đã chạm mức kỷ lục so với những năm trước đây.

Ví như tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, muốn vào ngành Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử thì thí sinh phải đạt 29,3 điểm, có nghĩa là gần 9,8 điểm mỗi môn để trúng tuyển.

Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, điểm chuẩn khối C00 cũng tăng từ 2 đến 3 điểm, với ngành Tôn giáo học tăng đến 5 điểm. Ngành Báo chí ở đây có điểm chuẩn cao nhất ở mức 28,88 điểm, biến cuộc đua vào đại học ở khoa này càng trở nên khốc liệt.

Trước hiện tượng này khiến người ta truy tìm lý do của sự tăng đột biến về điểm số mà vẫn trượt. Nguyên nhân chính được cho là đề thi năm nay dễ hơn so với những năm trước, đặc biệt ở môn Ngữ văn và Lịch sử, khiến số lượng thí sinh đạt điểm cao tăng nhiều.

Cụ thể Kỳ thi THPT năm 2024, hơn 5.000 thí sinh đạt từ 29 điểm trở lên trong tổ hợp C00, số này tăng nhiều so với các năm trước. Đồng thời với tăng điểm số ở kỳ thi tốt nghiệp thì số lượng thí sinh đăng ký dự thi khối C00 cũng tăng đáng kể, tăng hơn 22.000 thí sinh tham gia thi khối này, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt khi chỉ tiêu tuyển sinh không tăng tương xứng.

Thêm vào đó, việc nhiều thí sinh đã trúng tuyển sớm qua các phương thức xét tuyển khác như học bạ, chứng chỉ quốc tế IELTS, SAT đã làm giảm số chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này càng làm mức điểm chuẩn tăng cao đột biến.

Từ hiện tượng này, rõ ràng ngành Giáo dục đang đối diện với yêu cầu cải tổ để đảm bảo tính công bằng trong xét tuyển đại học giữa các khối. Vì các thí sinh khối C đạt điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng mong muốn, trong khi thí sinh thuộc các khối khác có nhiều lựa chọn hơn. Đồng thời, sự chênh lệch giữa hai phương thức thi tuyển và xét tuyển cũng đang dấy lên câu hỏi về sự bình đẳng trong quá trình tuyển sinh.

Để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong tuyển sinh, ngành Giáo dục có thể phải xem xét lại cách thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT, nhất là khâu ra đề, nhằm phân loại thí sinh tốt hơn. Các trường đại học cũng cần cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh cho từng phương thức sao cho hợp lý, tránh thu hẹp quá mức chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi. Cuối cùng, chương trình đào tạo tại các trường đại học cũng cần điều chỉnh để phù hợp với năng lực đầu vào của sinh viên, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu ra, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Trong tương lai, rõ ràng cần phải có sự điều chỉnh toàn diện từ các phương thức xét tuyển, thi cử đến chương trình đào tạo để mang lại công bằng cho thí sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam.

Ngô Quốc Đông