Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chuyển mình từ đất khó

Đơn Thương

Thứ hai, 01/11/2021 - 16:42

(Thanh tra) - Trước đến nay, nhắc tới Phá Lõm (Tam Hợp, Tương Dương), một huyện xa lắc nơi miền Tây của xứ Nghệ người ta hay dùng những từ như “thương lắm”, “heo hút”… để khái quát về cái nghèo, sự thất học ở đây.

Nhờ làm tốt công tác giáo dục mà nhiều trẻ em Phá Lõm đã được ra trung tâm học tập

Lần vào này, tôi lại thấy nhiều người nhắc đến Phá Lõm, nơi chỉ có duy nhất dân tộc Mông cùng với 2 dòng họ Xồng và Lầu sinh sống, giáp biên giới Việt - Lào với những niềm tự hào. Sao Phá Lõm lại có những điều kỳ diệu như vậy, tôi lên đường với một sự tìm tòi và khám phá.

Một thời để nhớ

Tương Dương nghèo, Tương Dương xa xôi là một trong những ấn tượng của rất nhiều người ngày xưa lần đầu tìm lên đất này. Có lẽ nhắc đến bản Phá Lõm của xã Tam Hợp thuộc huyện này thì lần đầu tìm đến người ta sẽ “ấn tượng” mãi. Ấn tượng về sự heo hút, vòng vèo của những con đường; khó khăn của của cuộc sống người dân và thêm nữa ấn tượng về cái sự học ở đây.

Trước, Phá Lõm chưa đông đúc như bây giờ. Để có một bản có 111hộ dân cùng hơn gần 700 nhân khẩu, duy nhất chỉ có người Mông sinh sống này là cả một sự cam go. Trong sự cam go ấy, nhớ nhất và mất nhiều công sức nhất ấy là đi gọi dân, “dỗ” dân về bản định cư.

Ông Xồng Bá Dềnh - người đã gần 20 năm làm trưởng bản của Phá Lõm không thể quên những ngày đầu đi gọi dân về bản. Ông bảo, người Mông vốn có tập tính du canh, du cư để mưu sinh. Vậy nên trước Phá Lõm rất thưa thớt dân. Các hộ gia đình đều vai gùi, tay dao, tản mát lên đỉnh non, đầu suối để tìm đất, phát rừng, làm nương kiếm sống. Nhiều gia đình có nhà ở bản đấy nhưng họ đều vắng nhà. Năm chỉ đôi lần về bản, chủ yếu vào ngày lễ, Tết.

Lớp trường, sách vở đã trở thành niềm vui ngày thường ở Phá Lõm

Cửa nhà kẽo kẹt mở ra, bếp được nhóm lên, bạn bè gặp gỡ, tụ hội. Mổ con lợn, con gà, uống với nhau dăm ba chén rượu, tung với nhau mấy quả pao, quả yến để vui trong chớp nhoáng. Tết hết, nhà lại vắng người, bản lại vắng dân, lại quẩy quả lên rừng, lên núi mưu sinh.

Chính do cái sự ăn ở này mà Phá Lõm hồi ấy buồn… như gió núi. Ai sống, ai chết, nghèo khó bao nhiêu hộ không nắm bắt được. Cùng với sự du canh, du cư này mà con chữ cũng nhạt nhòa, rơi rụng dần theo mỗi bước chân, theo mỗi chiều cao của quả núi. Nghèo và “nguội”, thậm chí thất học là một báo động đỏ ở đây.

Ngày mới trên… đất cũ

Cái buồn của Trưởng bản Xồng Bá Dềnh chợt vui khi câu chuyện của chúng tôi chuyển sang sự học. Ông bảo, để sự học ở đây sáng sủa như ngày hôm nay là cả một câu chuyện dài, dài như bài hát kể về lịch sử phát thân của người Mông đấy. Công này, ngoài sự quan tâm của các cấp, ngành thì Phá Lõm phải cám ơn nhất là “cái” bộ đội biên phòng ở đây.

Biên phòng cử người xuống, đầu tiên là “dạy” người già ý thức về cái chữ. Muốn có cái chữ thì phải ổn định cuộc sống, thôi ngay thói quen du canh, du cư. Rồi bộ đội biên phòng cùng người già lên núi “dạy” tiếp cha mẹ và gọi dân đưa trẻ về.

Một người nghe, hai người nghe, có nương có rẫy ở xa đấy nhưng không còn bắt trẻ con ở lại rẫy nữa. Trẻ trong bản xuống núi, đông dần. Trường lớp được sửa sang, đón trẻ đến lớp.

Bộ đội biên phòng chỉ bảo, thầy cô giáo nhiệt tình, trẻ đã bắt đầu tìm được những niềm vui khi đến lớp. Là bản nằm giáp biên giới Việt - Lào, đã có thời gian gần như trắng về giáo dục thì sau hơn 10 năm, với phong trào “toàn dân làm giáo dục”, nay, nếu không đến thì ít ai có thể hình dung ra con số diệu kỳ: 100% số hộ cả bản tham gia phong trào khuyến học.

Cái hay nhưng cũng vô cùng khó ở Phá Lõm là không chỉ là dạy chữ cho trẻ em trong độ tuổi mà cái hay ở đây là có phong trào “phủ chữ” đến các độ tuổi. Vì đời sống du canh, du cư ở Phá Lõm không chỉ đem lại hệ lụy mù chữ cho trẻ em mà cả đến người già cũng mù chữ.

Để người dân ý thức được cái hay, điều kỳ diệu của con chữ và tạo điều kiện cho trẻ em đến trường thì phải dạy cái chữ cho người già. Người già ý thức được cái chữ, thấy vui khi mình có cái chữ trong đầu thì họ mới ủng hộ trẻ được.

Công cuộc dạy chữ cho dân ở đây đã tận dụng hết quỹ thời gian. Ban ngày người già đi nương, đi rẫy kiếm cái ăn cho tụi trẻ đến trường. Tối đến, tụi trẻ lại ở nhà trông em, cám bã lợn gà cho cha mẹ và ông bà đến lớp.

Sự đắp đổi có tính khoa học này sau một thời gian ngắn đã đưa tỷ lệ mù chữ và thất học toàn bản xuống nhanh chóng.

Từ một bản bị coi là trắng về giáo dục, sau hơn 10 năm bứt phá, hiện nay mảnh đất được coi là “cuối trời” này đã có hàng trăm học sinh theo học ở hai bậc tiểu học và trung học cơ sở. Nếu lấy năm 2004 là mốc khởi phát về giáo dục ở đây thì đến thời gian này Phá Lõm đã có hàng chục em học sinh tiên tiến, tham gia các kỳ thi giỏi cấp huyện.

Và còn một điều kỳ diệu hơn nữa, tại đất Phá Lõm một thời được mệnh danh là “nói không với giáo dục” thì vừa qua đã có các học sinh thi đỗ vào cao đẳng và đại học.

Thắp lên sức mạnh vùng biên

Phá Lõm, một bản biên giới xa lắc sao lại có những điều kỳ diệu về giáo dục này. Cốt lõi của vấn đề ở đây ấy là ý thức và sự đồng lòng của người dân và các cấp chính quyền. Khi chính quyền và người dân đều là một về ý thức và trách nhiệm thì có lẽ không có gì có thể là khó và không vượt qua được.

Để xóa đi tình cảnh trắng về giáo dục ở Phá Lõm, ngoài sự ủng hộ, vào cuộc của người dân còn là tinh thần vun vén và nuôi dưỡng nó. Đến Phá Lõm tôi có cho mình những số liệu khá hay về vun vén và nuôi dưỡng giáo dục nơi đây.

Khi có ý thức, khi đã có sự đồng lòng, không ai gượng ép, người dân đã tự nguyện đóng góp vật chất để các em học sinh có cái ăn, cái uống, yên dạ đến trường.

Trồng nghệ đỏ - mô hình mới thoát nghèo cho người dân Phá Lõm

Phong trào xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài ở bản Phá Lõm cũng rất đặc biệt. Theo ông Xồng Bá Dềnh thì hiện nay người người, nhà nhà đã và đang tích cực hưởng ứng phong trào “Hũ gạo khuyến học”, “Nuôi gà khuyến học”.

Khẩu hiệu và chỉ tiêu đặt ra là: Mỗi người lớn, trong một ngày bớt chi tiêu để dành cho con cái học tập. Hàng ngày, các hộ gia đình tiết kiệm gạo gửi vào hũ gạo khuyến học của gia đình để hỗ trợ cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn.

Vào Phá Lõm lần này, ngoài giáo dục tôi còn có những ghi nhận về phát triển kinh tế của người Mông nơi giáp miền biên giới này. Từ năm 2017, cây nghệ đỏ và cỏ voi được đưa vào trồng đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân.

Cũng theo Trưởng bản Xồng Bá Dềnh, bây giờ bản Phá Lõm đã có nhiều thay đổi. Ngoài các cây canh tác truyền thống thì người dân còn biết đưa các cây trồng mới như bo bo, cây nghệ đỏ, nuôi trâu, bò, lợn. Người dân Phá Lõm hiện nay có thể khẳng định đã tự làm giàu trên chính mảnh đất ông cha để lại.

Dời Phá Lỏm, trước những con số đáng ghi nhận, tôi nghĩ, nếu có sự đồng thuận và ủng hộ thì không có một khó khăn nào mà người dân không vượt qua được. Đơn cử, cái sự học và việc vươn lên trong cuộc sống mới đang hiện hình ngày một bền vững ở nơi đây.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm