Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chợ nổi - Nét đẹp văn hóa Tây Nam Bộ

Cảnh Nhật

Thứ hai, 12/02/2024 - 13:30

(Thanh tra)- Được hình thành từ lâu đời, chợ nổi được xem là một bức tranh đầy màu sắc về kinh tế - văn hóa - xã hội của người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, vào mỗi dịp Tết đến Xuân về các chợ nổi càng trở nên nhộn nhịp hơn với xuồng, ghe tấp nập.

Chợ nổi được ví như một bức tranh cuộc sống sinh động của người dân Tây Nam Bộ. Ảnh: vietnamtourism.gov.vn

Bức tranh cuộc sống sinh động

Đồng bằng sông Cửu Long (hay còn gọi là miền Tây, Tây Nam Bộ, Cửu Long) trải rộng trên 13 tỉnh, thành phố phía Nam, có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt. Chính yếu tố này đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, góp phần hình thành một nét văn hóa đặc trưng đó là chợ nổi.

Chợ nổi là mô hình nhóm họp mua bán trên sông của cư dân bằng các loại phương tiện ghe, xuồng với hàng hóa rất đa dạng, bao gồm các mặt hàng ăn uống, các loại rau, củ, trái cây, thủy sản, đặc sản của mỗi địa phương… Đây được xem là nét đẹp độc đáo chỉ có ở khu vực Tây Nam Bộ, được ví như một bức tranh cuộc sống sinh động.

Một số chợ nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long được nhiều người biết phải kể đến như: Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng), chợ nổi Trà Ôn (Vĩnh Long), chợ nổi Long Xuyên (An Giang)…

Đặc điểm của các chợ nổi là nhóm họp ở các vị trí ngã ba, ngã tư sông, gần các trục giao thông đường thủy lớn. Từ các chợ nổi, các loại hàng hóa, trái cây, rau, củ và thủy sản sẽ theo thương lái xuôi dòng đi khắp các tỉnh lân cận và cả nước.

Điểm nổi bật ở các chợ nổi là người bán hàng thường dùng một cây sào có chiều dài khoảng 3 - 5m, người dân địa phương gọi là “cây bẹo” để treo các sản vật muốn bán. Người mua chỉ cần nhìn trên cây sào treo hàng hóa gì là có thể biết trên ghe đó có thứ cần mua hay không. Chính phương thức chào hàng độc đáo, khác lạ này đã làm cho chợ nổi mang nét đặc trưng, khác với các chợ truyền thống trên bờ.

Điểm nổi bật ở các chợ nổi là người bán hàng thường dùng “cây bẹo” để treo các sản vật muốn bán. Ảnh: vietnamtourism.gov.vn

Hiện nay, ở Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều chợ nổi, đôi khi chỉ là vài ba chiếc thuyền neo đậu buôn bán trên sông hoặc có khi là cả một khu chợ đông đúc. Vào dịp Tết Nguyên đán, các phương tiện ghe, xuồng ở các khu chợ nổi neo đậu buôn bán rất tấp nập với đủ loại hàng hóa, trái cây, rau, củ, các loại hoa… làm cho quang cảnh của chợ nổi càng trở nên nhộn nhịp hơn.

Nhiều người cho rằng, về miền Tây mà không đi chợ nổi thì coi như chuyến đi không được trọn vẹn. Vì có đi chợ nổi mới khám phá hết những nét văn hóa đặc trưng của miền Tây sông nước, trải nghiệm quang cảnh “trên bến dưới thuyền”, xem biểu diễn nghệ thuật dân gian và ngắm cảnh mua bán nhộn nhịp trên sông…

Bảo tồn chợ nổi gắn với phát triển du lịch

Cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 6km, chợ nổi Cái Răng được xem là một trong những chợ nổi lớn nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là đầu mối giao thương quan trọng và cũng là điểm nhấn sản phẩm du lịch, thu hút một lượng lớn du khách khi đến TP Cần Thơ. Chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cho biết, để triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, tháng 4/2023, UBND TP đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng gian hàng quảng bá và giới thiệu sản phẩm OCOP tại khu vực chợ nổi nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du khách, tăng cường quảng bá hình ảnh chợ nổi, kết nối các chương trình tham quan điểm du lịch…

Cần bảo tồn và phát triển chợ nổi gắn với phát triển du lịch. Ảnh: thamhiemmekong.com

Tại An Giang, để đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm và ẩm thực của du khách, UBND TP Long Xuyên đã có kế hoạch sắp xếp lại chợ nổi Long Xuyên kết hợp với khai thác du lịch từ bến phà Ô Môi đến khu đô thị Tây Sông Hậu với chiều dài khoảng 1km, bao gồm các phân khu chức năng ăn uống, buôn bán nông sản và trái cây, khu dành cho du khách tham quan và trải nghiệm hoạt động giao thương của các thương hồ.

Theo Đề án Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụm du lịch cộng đồng làng nghề đan cần xé, TP Ngã Bảy, tỉnh kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ làm hàng lưu niệm, trải nghiệm đan cần xé. Lấy làng nghề đan cần xé và chợ nổi Ngã Bảy làm trung tâm kết nối với các nhà vườn, phát triển thành cụm du lịch cộng đồng trải nghiệm sông nước, văn hóa bản địa…

Chợ nổi được xem là một trong những nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là tài nguyên du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Hiện nay, các chợ nổi đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do những thay đổi của các điều kiện kinh tế - xã hội. Do đó, việc bảo tồn và phát triển các chợ nổi theo hướng vừa giữ được những nét văn hóa truyền thống vốn có nhưng lại không quá tách biệt với xu hướng hiện đại và gắn với phát triển du lịch là cần thiết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

ROX Key tiếp sức cùng em đến trường ở Chiềng Ban, Sơn La

(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.

Thu Nga

21:26 11/12/2024
Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

Hoà Bình còn 3.194 nhà tạm, nhà dột nát

(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.

Trần Kiên

20:41 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm