Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần giải pháp cho vấn đề nhân lực hậu Covid-19

Nhật Tường - Thu Huyền

Thứ ba, 12/10/2021 - 06:36

(Thanh tra) - Tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, các hoạt động kinh tế dần được khôi phục. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm chứng kiến số lượng lớn người dân rời các địa phương này để về quê, gây nguy cơ thiếu hụt lao động và kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội.

Làn sóng hồi hương đang khiến vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nguy cơ thiếu hụt lao động. Ảnh: NT

Nguy cơ thiếu hụt lao động

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực trong 3 tháng cuối năm 2021 của TP khoảng 44.000 - 57.000 chỗ làm việc. Trong khi đó, nguồn cung về nhân lực được dự báo sẽ không đủ để đáp ứng do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do làn sóng người lao động hồi hương vì những khó khăn từ dịch bệnh Covid-19.

Tại tỉnh Bình Dương, theo dự báo, thời gian tới có thể thiếu hụt từ 40.000 - 50.000 lao động. Theo thống kê, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian qua đã có khoảng 750.000 trong tổng số 1,2 triệu lao động tại hơn 50.000 doanh nghiệp ở Bình Dương phải ngừng việc.

Đồng Nai cũng là địa phương đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động trong những tháng cuối năm 2021. Những công ty có sử dụng số lượng lao động lớn tại các khu công nghiệp của tỉnh như Công ty Pou Chen Việt Nam, Công ty TNHH Pousung Việt Nam, Công ty Cổ phần Tae Kwang Vina Industrial… đã bắt đầu hoạt động trở lại sau một thời gian dài bị đình trệ vì dịch bệnh và đang phải đối mặt với nỗi lo thiếu nhân công.

Đồng Nai hiện có 1,2 triệu lao động, trong đó có gần 700.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hàng trăm ngàn lao động tại địa phương đã phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc.

Để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại, vào cuối tháng 9/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Hàng chục doanh nghiệp đã đăng ký phỏng vấn trực tuyến tại sàn với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 4.700 lao động.

Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu để các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, làn sóng người lao động về quê đang đặt các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trước nguy cơ thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động trở lại do thiếu nguồn lao động, không đảm bảo sản xuất. Trong khi đó, việc tuyển mới lao động và đưa lao động cũ từ quê trở lại làm việc đều gặp phải nhiều khó khăn và không thể giải quyết trong một thời gian ngắn.

Theo dự báo của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH, số lao động về quê quay trở lại làm việc chỉ còn khoảng 60 - 70%. Tình trạng này đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Không chỉ các công ty, các khu công nghiệp thiếu hụt lao động mà tại các địa phương nơi lao động trở về (đặc biệt là các tỉnh miền Trung) sẽ xảy ra dư thừa lao động, kéo theo nhiều hệ lụy như thất nghiệp và các vấn đề về an sinh, xã hội.

Cần những giải pháp hữu hiệu

Ngày 1/10/2021, tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nguồn nhân lực lao động cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch” do Báo Người Lao động tổ chức, các chuyên gia cùng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp “nóng” nhằm giải bài toán về nhân lực. Trong đó, việc quan tâm tiêm vắc xin, đảm bảo an sinh và các chính sách hỗ trợ người lao động trở lại làm việc được đặc biệt nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 24/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đây được xem là chính sách kịp thời trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Khi được triển khai, nghị quyết này sẽ giúp người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Nhiều khu công nghiệp được dự báo sẽ thiếu hụt lao động. Ảnh: NT

Nhằm kết nối cung cầu về lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh đang triển khai phối hợp với 63 tỉnh, thành đoàn trong cả nước để kết nối thanh niên có nhu cầu việc làm với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động với hình thức “3 trong 1” (giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ tiền nhà trọ, xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho người đang tìm việc). Đơn vị này đã kết nối được với hơn 170 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 50.000 việc làm.

Các cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh đã lên phương án phối hợp với các địa phương nhằm đưa người lao động trở lại thành phố làm việc được thuận lợi, an toàn. Nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng các phương án nhằm giữ chân và thu hút thêm lao động như tăng phúc lợi, tăng tiền thưởng…

Tại tỉnh Đồng Nai, từ ngày 7/10 đã bãi bỏ giấy đi đường đối với người lao động tham gia lưu thông từ nơi cư trú đến nơi làm việc trên địa bàn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sau dịch bệnh. Đồng thời, đơn giản hóa các điều kiện xác nhận tiêm chủng đối với người lao động khi lưu thông đến nơi làm việc.

Tỉnh Bình Dương đã trở lại trạng thái bình thường mới từ đầu tháng 10/2021, người lao động được phép di chuyển đến nơi làm việc và thường xuyên được tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị thuộc Sở LĐ-TBXH và Liên đoàn Lao động đang tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động quay lại làm việc. Công tác kết nối cung - cầu lao động cũng được chú trọng triển khai.

Làn sóng người lao động rời TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về quê chưa có dấu hiệu dừng lại, đang đặt các địa phương này trước nguy cơ thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Để “kéo” họ quay trở lại nhà máy, khu công nghiệp làm việc thì cần có những giải pháp mang tính chiến lược, nhằm đảm bảo cho họ môi trường làm việc an toàn, chỗ ở ổn định, đảm bảo cuộc sống và trường học cho con cái của họ.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

Yên Bái tăng cường giám sát công tác hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ dân bị thiệt hại do bão số 3

(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.

Bùi Bình

22:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm