Sau khi Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được ban hành, Quỹ PCTH thuốc lá đã được các bộ, ngành, tỉnh/thành phố tổ chức tập huấn cho 8.271 công an các tỉnh/thành phố về xử lý vi phạm hành chính về PCTH thuốc lá.

Công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng có nhiều chuyển biến với sự tham gia tích cực của lực lượng công an các tỉnh/thành phố thông qua sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTH thuốc lá Bộ Công an và sự tham gia của Thanh tra Bộ Y tế, UBND một số quận tại Hà Nội như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Đống Đa.

Tại các tỉnh/thành phố, công tác kiểm tra việc thực hiện Luật PCTH của thuốc lá cũng được các đơn vị nhận hỗ trợ của Quỹ Tham mưu cho lãnh đạo các sở, ngành và UBND các cấp để thành lập đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép với các nội dung kiểm tra khác trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2015 - 2018, các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hơn 4.000 đơn vị trên toàn quốc. Về việc kiểm tra vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, theo báo cáo của Bộ Công an, công an các tỉnh/thành phố đã bắt và xử lý 2.316 vụ với số tiền phạt hơn 37,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH thuốc lá, hiện nay công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về PCTH thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là lực lượng thanh tra hiện nay còn mỏng, trong khi ý thức tuân thủ các quy định cấm hút thuốc của nhiều người còn hạn chế. Mặt khác, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, lại được bày bán khắp nơi là một nguyên nhân làm gia tăng việc hút thuốc ngay cả tại những nơi có quy định cấm.

Bên cạnh đó, hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, các lực lượng chức năng khó khăn trong việc xác định vi phạm nếu không có các thiết bị nghiệp vụ được phép sử dụng làm cơ sở cho việc xử phạt (phạt nguội).

Trong khi đó, Quỹ PCTH của thuốc lá không được phép hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đi kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc kiểm tra chủ yếu mới chỉ tập trung tại khu vực khách sạn, nhà hàng và một số cơ sở trường học, bệnh viện, nơi làm việc, bến tàu, xe…

Theo Quỹ PCTH của thuốc lá, Điều 5 và Điều 32 Luật PCTH của thuốc lá có quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc chủ trì tổ chức, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo, bố trí lực lượng và phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian qua chưa được chú trọng mặc dù hàng năm Bộ Y tế đều có công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố về việc đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về PCTH thuốc lá.

Để tăng cường hiệu quả của công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về PCTH thuốc lá, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ bổ sung quy định thực hiện thí điểm việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá trong các văn bản pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật PCTH của thuốc lá, tăng cường sự giám sát của người dân, kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm Luật PCTH của thuốc lá, Quỹ PCTH thuốc lá đang xây dựng và thí điểm ứng dụng phần mềm (app) trên điện thoại di động. Ứng dụng này cho phép người dân chụp và gửi các hình ảnh vi phạm Luật PCTH của thuốc lá tới các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đặc biệt là các hành vi vi phạm các quy định về địa điểm cấm hút thuốc, hành vi không treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc tại các địa điểm như khách sạn, nhà hàng, nơi làm việc, bến tàu, xe, hành vi trưng bày số lượng bao/tút/hộp thuốc lá tại các điểm bán lẻ vượt quá số lượng được phép… Dự kiến, ứng dụng này sẽ thí điểm tại 2 quận của TP Hà Nội trong thời gian tới.

Phương Anh