Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành, trong đó có TP Hà Nội phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian thực hiện giãn cách (bắt đầu từ ngày 24/7), trên địa bàn TP Hà Nội vẫn liên tục ghi nhận những ca nhiễm mới trong cộng đồng, đặc biệt là các trường hợp chưa rõ nguồn lây, tại các khu vực có mật độ dân cư đông, địa bàn phức tạp, các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ thiết yếu, tiềm ẩn nguy cơ có thể làm dịch bùng phát và lan rộng trên địa bàn.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của UBND TP Hà Nội, Sở Y tế, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Đến thời điểm này, Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19.

Kết quả cụ thể cho thấy, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch chỉ đạo hoạt động chuyên môn về việc lấy mẫu xét nghiệm vùng có nguy cơ và đối tượng có nguy cơ; duy trì thường trực đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch; tổ chức thường trực đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các thông tin của người dân liên quan đến dịch bệnh Covid-19; thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đặc biệt dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố; thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo kế hoạch của thành phố; tham dự các đoàn kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 tại các đơn vị cách ly trên địa bàn thành phố theo lịch của UBND thành phố.

Triển khai các kế hoạch trên, Hà Nội đã thực hiện tốt công tác giám sát dịch, đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để nhằm khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên...

Tổ chức thường trực 24/24 giờ đáp ứng phòng chống dịch bệnh, kịp thời điều tra xử lý các trường hợp nghi mắc, mắc bệnh truyền nhiễm; đặc biệt dịch bệnh Covid-19; phối hợp các đơn vị điều tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc/mắc Covid-19; tổ chức bao vây khoanh vùng, thực hiện cách ly y tế tại khu vực có bệnh nhân Covid-19.

Đối với các dịch bệnh khác như tay chân miệng, số ca mắc có xu hướng giảm kể từ các tuần cuối tháng 5, cộng dồn 195 ca mắc, 0 ca tử vong tại 132 xã, phường thuộc 29/30 quận, huyện (so với cùng kỳ 2020 là 1.987); sốt xuất huyết Dengue số mắc có xu hướng tăng từ tuần 22, cộng dồn năm 2021 ghi nhận 491 ca mắc, 0 tử vong, 33 ổ dịch. Số mắc giảm 72% so với cùng kỳ năm 2020 (1.747/1), bệnh nhân phân bố rải rác tại 160 xã, phường thuộc 27/30 quận, huyện.

Thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 trong phòng chống HIV/AIDS, tính đến 31/8/2021, tổng số trường hợp nhiễm HIV/AIDS là 19.250, số ngoại tỉnh đang điều trị tại Hà Nội 1.574 (không bao gồm các bệnh nhân ngoại tỉnh điều trị tại các phòng khám ngoại trú tuyến Trung ương và tư nhân); tổng số bệnh nhân nhiễm HIV đã tử vong do AIDS 7.271.

Trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo trực đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; điều tra, giám sát sự cố an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH Hitachi Astemo Hà Nội, khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội; tiếp nhận và xét duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm…

Nói về nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục duy trì thường trực đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch; phối hợp các đơn vị điều tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 các trường hợp nghi mắc/mắc dịch bệnh, người về từ vùng dịch gồm người nhập cảnh từ nước ngoài và các khu vực có bệnh nhân tại cộng đồng theo các thông báo của Bộ Y tế.

Thường trực đường dây nóng để tiếp nhận thông tin về dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các thông tin của người dân liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Tham dự các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống Covid -19 tại các đơn vị cách ly trên địa bàn thành phố theo lịch của UBND thành phố, Sở Y tế.

Tiếp tục triển khai lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại các khu vực nguy cơ, các đối tượng nguy cơ, lấy mẫu các trường hợp ho sốt trong cộng đồng; thực hiện các kế hoạch phục vụ chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 theo kế hoạch của thành phố; thực hiện các chuyên đề kiểm tra, giám sát, tập huấn theo kế hoạch.

Đối với các dịch bệnh lưu hành khác, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát phát hiện ca bệnh chủ động tại 64 bệnh viện trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện sớm, tổ chức khoanh vùng, xử lý dịch kịp thời; thực hiện các hoạt động theo kế hoạch phòng, chống dịch đã được phê duyệt đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ; tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng… bằng nhiều hình thức, đặc biệt là vào các thời điểm trước và trong thời điểm dịch gia tăng hàng năm.

Đồng thời, phối hợp với các dự án, tổ chức phi chính phủ, tổ chức cộng đồng, cơ sở y tế quận, huyện, thị xã triển khai mở rộng các mô hình tiếp cận cộng đồng, tìm người nhiễm HIV đưa vào điều trị; sử dụng mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng phát hiện ca nhiễm HIV mới và tiếp cận tìm kiếm ca HIV cũ trong cộng đồng để kết nối điều trị; tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV, kết nối điều trị và báo cáo kết quả hoạt động hàng tháng, quý…

Đẩy mạnh truyền thông tư vấn nâng cao chất lượng dân số; giảm mất cân bằng giới tính khi sinh ở các địa bàn có tỷ số mất cân bằng cao. Tổ chức có hiệu quả các sự kiện, chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra ở các cấp đặc biệt là đối với cơ sở, đảm bảo thực hiện chính sách dân số ở địa bàn các quận, huyện, thi xã. Tăng cường thanh tra các cơ sở y tế ngoài công lập về không chọn giới tính thai nhi và các quy định của pháp luật.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh với phòng chống dịch Covid-19

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2021, bên cạnh việc tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo việc nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh đối với các đơn vị y tế trong toàn ngành.

Ngành Y tế Hà Nội tiếp tục khẳng định thế mạnh trên các lĩnh vực: Sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu, phẫu thuật tạo hình, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng… Đẩy mạnh hợp tác trao đổi chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Các cơ sở điển hình như Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội triển khai nhiều kỹ thuật tiên tiến: Nội soi một lỗ không sẹo với nang ống mật chủ trẻ em; phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu cắt đại – trực tràng trong điều trị ung thư; điều trị rò hậu môn bằng phương pháp nội soi lỗ rò; kỹ thuật TEM; điều trị thoát vị đĩa đệm thoái hóa khớp bằng ozon,…

Trung tâm Cấp cứu 115 hàng ngày bố trí 14 kíp cấp cứu, thường trực 24/24 giờ, tại 5 trạm cấp cứu sẵn sàng đáp ứng cấp cứu trước bệnh viện của người bệnh trên địa bàn thành phố. Đảm bảo hoạt động tại 17 phòng khám A, thuộc các bệnh viện công lập của thành phố.

Để đáp ứng công tác điều trị cho người mắc Covid-19, Sở Y tế Hà Nội thực hiện phân tuyến điều trị Covid-19 với 5 bệnh viện thu nhận điều trị người bệnh gồm: Bắc Thăng Long 230 giường; Đa khoa Đức Giang 150 giường; Thanh Nhàn 200 giường; Đa khoa Hà Đông 140 giường và Đa khoa Đống Đa 80 giường bệnh. Các bệnh viện còn lại trong ngành đã bố trí phân luồng, sàng lọc và bố trí khu vực cách ly từ 20 - 30 giường bệnh. Đồng thời, thực hiện phân luồng, sàng lọc, cách ly tại các bệnh viện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đảm bảo các trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế tại các vị trí làm việc.

Ngoài ra, nhiều bệnh viện đã triển khai liên thông kết quả xét nghiệm từ ngày 1/1/2018 như: Đa khoa Xanh Pôn, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Đức Giang, Đa khoa Thanh Nhàn, Phụ sản Hà Nội, Tâm thần Hà Nội, Tim Hà Nội cơ sở 1, Ung bướu Hà Nội, đã mang lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh. 

Lê Phương