Thẻ BHYT tháo gỡ gánh nặng chi phí chữa bệnh

Chúng tôi về xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, tại căn nhà nhỏ trên đường Đoàn Công Chánh thuộc ấp An Trai, bác Lê Văn Tiền (SN 1952) tiếp chúng tôi với nét mặt hồ hởi mặc dù bước đi, cử chỉ, lời nói đã không còn được nhanh nhẹn. 

Bác Tiền chia sẻ: “Tôi mới điều trị ở Bệnh viện ĐK tỉnh Trà Vinh về, bác sĩ chuẩn đoán tôi lên cơn đau thắt ngực, suy tim, cao huyệt áp, trào ngược dạ dày thực quản. Tôi phải điều trị hơn 10 ngày và bệnh viện đã đặt sten mạch vành 2DES cho tôi với chi phí rất tốn kém, lên đến hơn 150 triệu đồng. Nhưng tôi rất may vì tôi đã tham gia BHYT hộ gia đình nên được BHYT chi trả gần 108 triệu đồng”.

2 vợ chồng bác Tiền không có lương hưu, hiện đang ở với con trai làm nghề tự do, thu nhập rất bấp bênh. “Nếu không có BHYT thì gia đình tôi sẽ không gồng gánh nổi chi phí chữa bệnh” – bác Tiền tâm sự.

Tại Bệnh viện ĐK tỉnh Trà Vinh, chúng tôi ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị bệnh hiểm nghèo nhưng rất may mắn vì đa phần họ đều tham gia BHYT.

Bệnh nhân Lê Văn Tâm (Cầu Ngang, Trà Vinh) thuộc diện đối tượng được cấp thẻ BHYT diện bảo trợ đã nằm điều trị tại Khoa Nội thần kinh được gần 20 ngày, bác sĩ điều trị tại khoa cho biết tình trạng ông Tâm tiên lượng nặng, vừa chịu di chứng của tai biến, vừa điều trị hệ lụy do nằm viện lâu như viêm phổi, huyết áp tụt… thời gian nằm viện còn có thể phải kéo dài. 

Tính đến thời điểm này, chi phí điều trị của ông Tâm đã lên tới gần 23 triệu đồng, trong đó hầu hết nằm trong phạm vi quỹ BHYT chi trả. Người nhà ông Tâm cho biết: “May mắn ông có thẻ BHYT được hưởng mức chi trả 100% nên mọi chi phí điều trị, thuốc thang đều được BHYT thanh toán. Nếu không có BHYT thì với tình hình điều trị dài lâu như vậy, tài chính gia đình chắc không gánh nổi”.

Còn bệnh nhân Thạch Thị Vinh, 73 tuổi, người Khmer, thường trú tại xã Hiệp Hoà, huyện Cầu Ngang, nhập viện do tăng huyết áp, suy tim, hội chứng vành cấp. Do có BHYT là hộ nghèo, nên toàn bộ chi phí xét nghiệm và điều trị được BHYT chi trả. Người nhà bệnh nhân Vinh cho biết: Nếu không có BHYT thì không biết lấy tiền đâu để điều trị bệnh. Nhưng lúc này, thẻ BHYT thật hữu ích.

leftcenterrightdel
Bệnh nhân Lê Văn Tâm (Cầu Ngang, Trà Vinh) 

Định “buông bỏ” tính mạng vì không có BHYT

Tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, tôi chúng bắt gặp trường hợp ông Nguyễn Văn Nghịch (Duyên Hải, Trà Vinh) bị tai nạn giao thông nhập viện trong tình trạng nặng, đa chấn thương, vừa gãy xương đòn, xương đùi, vừa dập phổi, tràn khí màng phổi. Rất không may khi ông Nghịch chưa tham gia BHYT.

Bác sĩ Dương Thanh Bình, Phó trưởng Khoa cho biết: “Trường hợp này khi nhập viện rất nguy kịch, chúng tôi nhanh chóng cấp cứu, mở đặt ống dẫn lưu dịch phổi, cung cấp ôxy điều trị dập phổi; đồng thời mổ cấp cứu xương đòn, xương đùi cho bệnh nhân. Tính đến nay, sau 20 ngày điều trị, bệnh nhân đã dần hồi phục”.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của bác sĩ Bình, ban đầu do bệnh nhân không có BHYT nên khi vào viện trong tình trạng rất nặng, nhận thấy chi phí điều trị rất lớn, trong khi gia cảnh rất éo le, không vợ con, lao động tự do nên lúc đầu bệnh nhân định buông bỏ, không hợp tác điều trị.

“Trong những trường hợp cấp cứu như vậy, nếu bệnh nhân có BHYT, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc lựa chọn phương pháp điều trị sao cho hiệu quả và phù hợp nhất với bệnh nhân. Nhưng do bệnh nhân không có BHYT, chi phí y tế phải tự chi trả, nên trước khi thực hiện các kỹ thuật điều trị đều cần thông báo, trao đổi với người nhà bệnh nhân. Với bệnh nhân Nghịch, may mắn gia đình đã đạt thỏa thuận đền bù với người gây tai nạn”, bác sĩ Bình cho biết.

“Với khoản viện phí ước khoảng 50-60 triệu đồng do chi phí phẫu thuật xương rất cao, nếu bệnh nhân không có đền bù, gia cảnh lại khó khăn thì đây là một áp lực vô cùng lớn. Bệnh nhân khó có nhiều cơ hội điều trị tối ưu nhất”, ông Bình thông tin thêm.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ La Quốc Trung, Trưởng khoa Cấp cứu, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện ĐK tỉnh Trà Vinh cho biết: "Trên thực tế, cũng có nhiều trường hợp nhập viện không có BHYT, chi phí điều trị cao, bệnh nhân không thể chi trả hết. Hiện bệnh viện đang có khoản nợ treo gần 100 triệu đồng của bệnh nhân đặt stent nhưng chưa có tiền trả. Bệnh viện phải kêu gọi tài trợ cho bệnh nhân. Do vậy, chúng tôi hi vọng BHYT bao phủ toàn dân, để bệnh viện chỉ tập trung vào chuyên môn, không phải đắn đo, lựa chọn phương án điều trị cho bệnh nhân”.

“Do mặt bằng kình tế chung người dân tỉnh Trà Vinh khó khăn, nên tại đây 95% bệnh nhân khám chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT và 90% nguồn thu của bệnh viện cũng đến từ BHYT”. Ông Trung cho hay.

leftcenterrightdel
Bệnh nhân Nguyễn Văn Nghịch (Duyên Hải, Trà Vinh) 

Nỗ lực “phủ sóng” BHYT tới mỗi người dân

Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh cho biết, đến hết tháng 10/2022, độ bao phủ BHYT dân số của Trà Vinh là 80,57%, tỷ lệ người tham gia BHYT có sụt giảm hơn so với năm trước.

Lý giải thêm tỷ lệ người tham gia BHYT giảm, ông Huy cho rằng, do ảnh hưởng kép từ tình hình dịch bệnh kéo dài cùng với khó khăn của doanh nghiệp nên dẫn đến cắt giảm lao động, làm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc tại các đơn vị, doanh nghiệp. 

Một nguyên nhân khác là ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều người dân bị mất hoặc sụt giảm thu nhập, kinh tế hết sức khó khăn, vì vậy việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT gặp nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả như mong muốn.

Bên cạnh đó, tác động từ quyết định về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 kéo theo 24 xã khu vực III và 55 xã khu vực II không được hưởng chính sách; đã khiến 337.860 người không còn được ngân sách nhà nước cấp thẻ, trong đó, có 200.487 người dân tộc thiểu số của 55 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn…

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Trà Vĩnh nỗ lực đạt mục tiêu phủ sóng BHYT tới mỗi người dân. Bên cạnh các gói hỗ trợ BHYT từ tỉnh đến với các đối tượng khó khăn đã và đang triển khai, ngành BHXH nỗ lực phối hợp các đoàn thể, cơ quan bưu điện cùng các địa phương đổi mới nội dung, hình thức truyền thông phù hợp tới từng ấp, xã, khóm, giúp người dân hiểu đúng về vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT để từ đó tham gia tích cực hơn./.

Sơn Lâm