Trong thời gian gần đây, qua công tác giám sát bệnh truyền nhiễm, đã phát hiện một số ổ dịch bạch hầu tại tỉnh Kon Tum.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, từ đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận rải rác 23 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy. Riêng từ ngày 27/6 đến 2/7 đã có 14 trường hợp tại xã Diên Bình (Đắk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy), các trường hợp đều là người đồng bào dân tộc.

Bệnh bạch hầu là bệnh lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và tử vong.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 3612/ BYT-DP về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh bạch hầu, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh.

Đối với các trường hợp mắc bệnh cần cách ly kịp thời, khoanh vùng, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài; tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu ngành y tế của tỉnh cần tổ chức ngay các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; xác định nhóm đối tượng trong độ tuổi có nguy cơ, tổ chức tiêm vắcxin phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch.

Đặc biệt, các cán bộ y tế cần rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung vắcxin phòng bệnh bạch hầu, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế.

Ngành y tế tỉnh Kon Tum phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, các cán bộ y tế cần tổ chức tốt việc theo dõi sức khỏe của trẻ em và thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng) để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Trong công tác truyền thông, cán bộ y tế cần tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vắcxin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo đủ mũi và đúng lịch./.
Theo Thùy Giang/Vietnam+