PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, hút thuốc lá làm lây truyền nguy cơ nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Cụ thể, hút thuốc lá gây hại đến phổi, làm suy yếu chức năng phổi, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch.

Do đó, những người hút thuốc dễ bị viêm phổi do vi khuẩn và vi rút, bao gồm cả COVID-19. Hút thuốc làm tê liệt và thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với COVID-19.

“Từ bỏ thuốc lá có lợi ích không chỉ với sức khỏe của phổi mà còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Đánh giá của Hội đồng Các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29/4/2020 cho thấy, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.

COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại vi rút corona và các bệnh khác. 

leftcenterrightdel
Từ bỏ thuốc lá có lợi ích không chỉ với sức khỏe của phổi mà còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Ảnh: Internet 

Thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và đái tháo đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm COVID-19. 

Những nghiên cứu đã công bố cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn khi mắc COVID-19.

WHO liên tục đánh giá các nghiên cứu mới, bao gồm nghiên cứu kiểm tra mối liên hệ giữa sử dụng thuốc lá, sử dụng nicotin và COVID-19. WHO kêu gọi các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các phương tiện truyền thông thận trọng về việc khuếch đại các tuyên bố chưa được chứng minh rằng thuốc lá hoặc nicotin có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19. 

Hiện tại không đủ thông tin để xác nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa thuốc lá hoặc nicotine trong phòng ngừa hoặc điều trị COVID-19.

WHO cho biết, các liệu pháp thay thế nicotin, như kẹo cao su và miếng dán được thiết kế để giúp người hút thuốc bỏ thuốc lá. 

Đồng thời WHO khuyến cáo người hút thuốc nên bắt đầu thực hiện ngay các bước để bỏ thuốc, bằng cách sử dụng các phương pháp đã được chứng minh, như tư vấn bỏ thuốc qua số điện thoại miễn phí (ở Việt Nam là số 18006606), chương trình nhắn tin giúp bỏ thuốc qua điện thoại di động và liệu pháp thay thế nicotin.

Trong vòng 20 phút sau khi bỏ thuốc, nhịp tim và huyết áp bắt đầu giảm. Sau 12 giờ, nồng độ các-bon mô-nô xít trong máu giảm xuống mức bình thường. Trong vòng 2-12 tuần, hệ tuần hoàn được cải thiện và chức năng phổi tăng lên. Sau 1-9 tháng, ho và khó thở giảm.

WHO nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nghiên cứu có hệ thống, chất lượng cao, được phê duyệt về mặt đạo đức vì chúng sẽ góp phần cải thiện sức khỏe cá nhân và cộng đồng, đồng thời cảnh báo việc thúc đẩy các can thiệp chưa được chứng minh có thể có các tác động tiêu cực đến sức khỏe.

Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2020 diễn ra từ ngày 25 - 31/5. Với chủ đề "bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá", WHO kêu gọi, các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn rằng, có loại thuốc lá ít gây hại cho sức khỏe, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh.

Theo điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu năm 2019 của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố của nước ta cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh Việt Nam có xu hướng giảm từ 4% xuống 3,6% nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử bắt đầu tăng lên 2,6%.

Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang được quảng cáo là sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với thuốc lá thông thường. Các sản phẩm mới này cho thêm các phụ gia có hại cho sức khoẻ rất khó kiểm soát, nhất là đối với thế hệ trẻ.

 

Phương Anh