Mỗi ngày con xé một tờ lịch chờ mẹ về

Nhiều lần đặt vấn đề theo chân cử nhân điều dưỡng Trần Thị Nga (Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai) để hiểu hơn công việc thầm lặng của các chị, nhưng lần nào cũng không thành vì lúc thì Nga thông báo chị ở Bệnh viện Phổi, lúc lại đang trong phòng bệnh nhân ở Trung tâm Y tế Hòa Vang. Những bữa cơm muộn ở tầng 4 khách sạn T.26 luôn thấy bóng dáng của nữ điều dưỡng.

Trao đổi về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện tại Đà Nẵng, điều dưỡng Nga đánh giá vẫn còn nhiều tồn tại cần phải khắc phục. Đặc biệt, tình trạng các nhân viên vệ sinh ký hợp đồng thời vụ bỏ việc diễn ra nhiều khiến công tác đào tạo gặp khó khăn.

“Chúng tôi mất thời gian, công sức để đào tạo cho nhân viên vệ sinh cả buổi, nhưng họ chỉ làm được một vài buổi lại bỏ bởi họ thấy công việc áp lực, vất vả”, điều dưỡng Nga nêu lên thực trạng.

Nữ điều dưỡng cũng cho biết, bản thân chị và nhóm kiểm tra công tác kiểm soát nhiễm khuẩn cũng giải thích cho nhân viên vệ sinh hiểu rằng công việc của họ tuy thầm lặng nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nhắc đến chuyện cá nhân, chị Nga gạt đi giọt nước mắt nói: “Tôi may mắn có hậu phương vững chắc, được gia đình, chồng con đồng cảm, chia sẻ với công việc. Tôi có một bé gái đang chuẩn bị bước vào lớp 1, bé đã hiểu rằng mẹ đang đi chống dịch cùng với các bác sĩ. Hôm 1/8 là ngày đăng ký trực tuyến cho con thì chồng đăng ký hồ sơ rồi làm các thủ tục cần thiết. Tất cả các công việc đó chỉ biết nhờ chồng hoặc bố mẹ chồng hỗ trợ”.

“Con hiểu rằng mẹ đang đi chống dịch, bởi đây không phải lần đầu tiên tôi xa con. Mỗi ngày gọi điện về nói chuyện với con được 1-2 lần, con hỏi khi nào mẹ về thì tôi nói với con khi nào hết dịch mẹ sẽ về”, chị Nga ngậm ngùi.

Chị Nga tâm sự thêm, bé nhà chị tương đối hiểu mẹ nên vì hàng ngày khi đi làm công việc liên quan đến kiểm soát nhiễm khuẩn ở BV Bạch Mai cũng nhiều và mẹ cũng hay phải đi công tác nên việc mẹ về muộn là đương nhiên. Bản thân chị rất thương con mình vì con gái từng nói rằng: “Từ ngày con đi học rất ít khi mẹ đưa con đi học hoặc đón con về”.

Cũng theo điều dưỡng Nga, dù con gái hay hỏi mẹ về việc khi nào được về nhưng bản thân không dám hứa trước: “Con bé còn nói với tôi rằng khi nào bắt đầu về thì báo với con để con còn ghi trên lịch là mẹ sẽ cách ly 14 ngày, mỗi ngày con gạch đi để đến ngày số 0 là con có thể ở cùng với mẹ”.

Thương nhất là chồng bị ung thư mới phẫu thuật

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, ai cũng có những góc khuất thầm kín trong câu chuyện về gia đình, chồng con nhưng khi ra “chiến trận”, bên cạnh những bệnh nhân COVID-19, họ lao vào công việc quên đi tất cả với đích đến chờ ngày hết dịch.

leftcenterrightdel
Điều dưỡng trưởng Trần Thị Hồng Hà. Ảnh: Minh Thuỳ 

“Chúng tôi vào đây với tâm thế xung phong tình nguyện vào với đồng nghiệp để làm việc và làm việc. Việc gia đình ai ai cũng có những nỗi bận tâm riêng, lần này tôi lên đường cũng là lúc chồng vừa mắc ung thư mới phẫu thuật xong. Tôi sợ chồng bệnh tật suy nghĩ nhiều lại ảnh hưởng tới sức khỏe. Rất may chồng hiểu công việc và động viên lại, thành ra mỗi tối 2 vợ chồng cứ cố gắng động viên nhau”, điều dưỡng Trần Thị Hồng Hà (Điều dưỡng Trưởng, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Tiệp Hải Phòng) chia sẻ sau một ngày làm việc tại Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn.

Chị Hà cho biết, đoàn các thầy thuốc tại Hải Phòng nhận lệnh chiều 4/8, dự kiến đến 8/8 mới vào nhưng tình thế khẩn cấp, sáng 5/8 tập hợp và nhanh chóng nhận quyết định lên đường luôn.

Điều dưỡng Hà nói, trong quyết định đi chưa có thời gian về, nhưng bản thân chị cũng nghĩ rằng đã vào đến đây thì sẽ làm việc hết mình, đúng chuyên môn, nghiệp vụ, thậm chí học hỏi nhau.

“Chúng tôi cứ xác định ở lại từ 1-3 tháng để tình hình dịch ổn định mới quay về”, điều dưỡng Hà nói.

Nói về việc xung phong, tình nguyện đi hỗ trợ TP Hải Phòng, nữ điều dưỡng vui mừng cho biết: “Có đến 90% thành viên của Đoàn TP Hải Phòng là tình nguyện tăng cường đến Đà Nẵng, tôi là một trong những người đầu tiên xung phong lên đường. Bởi, thứ nhất mình là điều dưỡng trưởng, thứ hai mình lớn tuổi nên xung phong để các bạn trẻ làm gương”.

Phó Đoàn Thầy thuốc của TP Hải Phòng cũng chia sẻ: “Chúng tôi có đồ bảo hộ rất hiện đại, an toàn, nắm vững công tác chuyên môn nên bản thân mỗi người tâm lý đều vững, không do dự”.

Nhắc đến chuyên môn, chị Hà cho rằng: “Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong đó có phòng ngừa, phòng hộ cá nhân, cách ly và tuyên truyền đối với người dân là khâu quan trọng hàng đầu trong công tác phòng chống dịch”.

Dịch bệnh tại các tỉnh miền Trung còn nhiều diễn biến phức tạp, cả nước đang gồng mình chống dịch. Ít ai biết rằng, đội ngũ thầy thuốc tại các tỉnh miền Trung nói riêng và đội ngũ thầy thuốc do Bộ Y tế, các tỉnh thành chi viện đến đang ngày đêm nỗ lực hết mình, tạm quên đi nỗi lo sầu thẳm bên trong để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và chắc rằng, khi dịch tại miền Trung chấm dứt, đội ngũ thầy thuốc được trở về bên mái ấm, đoàn tụ với gia đình sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên.

CTV Lê Bảo- Minh Thuỳ