Tham gia buổi làm việc với đoàn của Bộ Y tế còn có lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Quảng Nam...

Tính đến nay, tại khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 66 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu (Đắk Nông 25 ca, Kon Tum 24 ca, Gia Lai 16 ca và Đắk Lắk 1 ca), trong đó có 03 trường hợp tử vong (Đắk Nông 2 trường hợp, Gia Lai 1 trường hợp). Hầu hết các ổ dịch vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, các ca nhiễm bệnh đang được điều trị và tình hình sức khoẻ ổn định, khả quan.

Đối với tình hình dịch bệnh bạch hầu, qua ý kiến của lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên thì nhận thấy khó khăn chung là những khu vực có bệnh đều là vùng sâu, vùng xa nên nhận thức về bảo vệ sức khỏe còn chưa cao, người dân vẫn chưa ý thức được cách phòng, chống bệnh. Bên cạnh đó, vaccine tiêm phòng đối với lứa tuổi trên 7 tuổi còn thiếu, rất cần được hỗ trợ.

Theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, đối với bệnh bạch hầu thì đây là một bệnh truyền nhiễm rất rõ ràng tuy nhiên nó có vaccine điều trị và thuốc đặc dụng, nên muốn ngăn chặn nhanh thì khi phát hiện là phải điều trị ngay và dự phòng cho toàn khu vực, ngăn ngừa biến chứng, lây nhiễm.

“Bộ Y tế sẽ hỗ trợ toàn bộ vaccine nên các địa phương không cần phải lo về việc này. Dự kiến là 11 triệu liều vaccine sẽ được hỗ trợ cho các địa phương, và ngay chiều nay sẽ được chỉ đạo chuyển đến. Ngoài ra sẽ cung cấp 200.000 khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ cho mỗi địa phương, nếu thiếu thì Bộ sẽ sẵn sàng chu cấp thêm”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các tỉnh Tây Nguyên và Quảng Nam, Quảng Ngãi đề nghị Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn về công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu nói riêng và các dịch bệnh nguy hiểm nói chung. Đồng thời, hướng dẫn cho địa phương việc mua huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân; cung cấp kịp thời vaccine Td cho các tỉnh để tổ chức tiêm cho người dân trong vùng dịch.

 

Khuất Nguyên