Tỷ lệ bao phủ BHYT liên tục tăng trưởng

BHYT là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may ốm đau, tai nạn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Với chính sách ưu việt này, tỷ lệ bao phủ BHYT của Việt Nam liên tục tăng trưởng trong khoảng 10 năm trở lại đây; từ 58,2% năm 2009 và hiện tại, tính đến hết tháng 6/2020, toàn quốc có trên 86 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT là 90%, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, những số liệu về tỷ lệ bao phủ chỉ phản ánh phần nào kết quả phát triển BHYT.

Nhìn sâu hơn, những số liệu về số lượt khám chữa bệnh BHYT thực sự cho thấy chính sách BHYT đã và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Trong những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi khám chữa bệnh đúng tuyến.

Hàng tỷ đồng chi trả khám chữa bệnh

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn, nhờ tham gia và có thẻ BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau đã vượt qua được giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám và điều trị bệnh, thậm chí có những người bệnh có chi phí khám chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng/đợt điều trị.

“Năm 2020, tính đến tháng 6, số tiền chi khám chữa bệnh BHYT được các cơ sở đề nghị quyết toán trên Hệ thống giám định BHYT là khoảng trên 38.000 tỷ đồng, với tỷ lệ sử dụng dự toán năm khoảng 38%”, ông Sơn cho biết.

Đáng chú ý, quỹ BHYT đã chi trả cho 58 bệnh nhân có tổng chi phí trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú; 12 bệnh nhân có tổng chi phí từ trên 2 tỷ đồng/đợt điều trị.

Đơn cử, bệnh nhân có mã thẻ HT279793186XXXX (BHXH TP Hồ Chí Minh phát hành), quyền lợi hưởng BHYT 100%, khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện 30/4 đã điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 12/7/2019 - 26/8/2019 với chẩn đoán Sốc (choáng) nhiễm khuẩn. Tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT của bệnh nhân này là 2,02 tỷ đồng.

Hay trường hợp anh Danh Văn (30 tuổi, ngụ huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang), giáo viên Trường Tiểu học - THCS Tiên Hải (TP Hà Tiên) được quỹ BHYT chi trả 100% chi phí với tổng số tiền 9,4 tỷ đồng.

Anh Danh Văn bị gãy chân, được Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) nhập viện điều trị từ ngày 19/11/2019 đến 17/1/2020 với chẩn đoán thiếu yếu tố VIII di truyền (Hemophilia). Quá trình điều trị, quỹ BHYT đã chi trả 80% chi phí điều trị là 7,9 tỷ đồng và bệnh nhân cùng chi trả 20%, tương đương trên 1,5 tỷ đồng.

Theo quy định, người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng), tương đương 8.940.000 đồng thì lần khám, chữa bệnh sau khi đi đúng tuyến sẽ được hưởng 100% chi phí nằm trong danh mục được BHYT chi trả.

Do đó, BHXH tỉnh Kiên Giang đã thẩm định và chi trả lại số tiền đóng 20% của bệnh nhân Danh Văn 1,5 tỷ đồng và tổng số tiền mà quỹ BHYT chi cho bệnh nhân Danh Văn là 9,4 tỷ đồng.

Đồng bộ các giải pháp thu hút người dân tham gia

Mục đích cao nhất của BHYT là góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, giúp người dân giảm gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Đây là chính sách an sinh xã hội nên số tiền người dân phải đóng khi tham gia BHYT không cao, nhưng lại được hưởng nhiều quyền lợi.

Tính ưu việt của BHYT đã được khẳng định; các cơ quan chức năng cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận, thụ hưởng chính sách. Thế nhưng, việc thu hút người dân tham gia BHYT vẫn gặp không ít khó khăn.

Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho hay, hiện một số tỉnh, TP chưa bố trí được ngân sách để hỗ trợ mức đóng BHYT cho hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên… Vì vậy, đến nay vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu 100% nhóm đối tượng thuộc diện ưu tiên tham gia BHYT.

Để hiện thực hóa mục tiêu BHYT toàn dân, ngành BHXH sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về chính sách sao cho phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, từng nhóm đối tượng. Cùng với đó, các lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra, đánh giá chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; kiểm soát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh, tạo sự tin tưởng cho người dân…

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, số người tham gia BHYT sẽ đạt tỷ lệ 90,7% dân số vào cuối năm 2020 và tăng lên 95% vào năm 2025.

Chính sách BHYT được thiết kế với rất nhiều quyền lợi dành cho người tham gia như: Trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí; Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia (với các đối tượng thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; tham gia theo hộ gia đình; người dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên…).

Với các nhóm đối tượng tham gia khác, bên cạnh việc tuân theo nguyên tắc đóng - hưởng, chính sách BHYT cũng có nhiều quy định đem lại quyền lợi lớn như: giảm dần mức đóng với các thành viên tham gia BHYT hộ gia đình; miễn cùng chi trả khi có thời gian tham gia 5 năm liên tục và chi phí cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở…

Trần Trung