Hiện còn 20 bệnh nhân, đang điều trị tại Bệnh viện Hoài Đức (16 bệnh nhân), Bệnh viện 198 (2 bệnh nhân), Bệnh viện 103 (1 bệnh nhân), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (1 bệnh nhân).

Các xã có bệnh nhân mắc cao là Kim Chung 22 ca, Đức Giang 18 ca, Sơn Đồng 15 ca, La Phù 12 ca, thị trấn Trôi 10 ca, Vân Canh 9 ca. Hiện còn 8 ổ dịch đang hoạt động tại Đào Nguyên - An Thượng (2 ca), Minh Hòa 3 - Minh Khai (3 ca), Thôn 2 - Song Phương (2 ca), Xóm Gạch - Sơn Đồng (4 ca), Xóm Hành - Sơn Đông (2 ca), Xóm Đồng - Sơn Đồng (3 ca), Khu 7 - thị trấn Trôi (1 ca), Tiền Lệ - Tiền Yên (2 ca).

Huyện đã triển khai 1 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại xã La Phù, phun hóa chất diện rộng tại 2 xã Kim Chung và Đức Giang. Đến nay, đã có 5.322/5.901 hộ đã được phun hóa chất (tỷ lệ 90%). Đồng thời, huyện cũng đã chủ động trong công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Truyền thông trực tiếp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy cho các cộng tác viên tại 20 xã, thị trấn; phát thanh trên loa đài 3 lần/ngày, tuyên truyền trên trang facebook…

Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn như: Hoạt động vệ sinh môi trường diệt bọ gậy được triển khai quyết liệt nhưng không làm được triệt để do còn nhiều hộ dân đi vắng, nhiều gia đình chưa hợp tác trong việc vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích của một số địa phương vẫn chưa được kiện toàn phù hợp, còn thành phần gồm nhiều người cao tuổi tuy nhiệt tình nhưng chưa thể đáp ứng tốt nhất cho hoạt động phòng chống dịch; xu hướng đô thị hóa, biến động dân cư lớn cũng góp phần lây lan dịch bệnh.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn, Hoài Đức là một khu vực trọng điểm, có nhiều ca mắc SXH đứng thứ 3 khu vực ngoại thành. Bệnh nhân rải đều tại 18/20 xã/thị trấn (chỉ trừ xã Đông La và Đắc Sở chưa ghi nhận bệnh nhân mắc SXH). Việc tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy vẫn còn hạn chế. Có 1.081 cộng tác viên phòng chống dịch nhưng vẫn thấp so với lượng dân cư đông đúc trên địa bàn. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện nay rất phức tạp và có nguy cơ bùng phát tại các xã Sơn Đồng, Đức Giang, Kim Chung nếu không có các biện pháp mạnh hơn nữa trong hoạt động phòng chống dịch SXH.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Đức Chung cho biết, hiện Hoài Đức là nơi có nguy cơ bùng phát dịch SXH. Qua kiểm soát, chỉ số BI và bệnh nhân ở một số xã có chiều hướng tăng cao, đặc biệt với diễn biến thời tiết mưa nhiều như hiện nay. Do vậy, để ngăn chặn được dịch SXH phát sinh, về mặt chỉ đạo cần phải quyết liệt. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, kiểm soát, đôn đốc tổng vệ sinh môi trường trên toàn huyện; diệt bọ gậy tại các dụng cụ phế thải chứa đựng nguồn nước; nâng cao ý thức người dân trong công tác phòng chống dịch.

Các tổ chức, cơ quan cần giám sát chặt chẽ để nhắc nhở người dân cùng tham gia đẩy lùi dịch bệnh. Các cơ quan chuyên môn cần phân loại bệnh nhân mắc bệnh để chữa trị kịp thời. Đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành tốt việc phòng chống dịch SXH sẽ kiên quyết xử phạt hành chính hoặc cưỡng chế những khu vực kinh doanh có dụng cụ liên quan đến việc phát sinh bọ gậy”.

Về vấn đề phòng chống dịch, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, dù huyện đã có những biện pháp quyết liệt trong công tác phòng chống SXH nhưng trong những tuần qua số lượng bệnh nhân mắc SXH mới vẫn gia tăng rải rác. Để công tác phòng chống dịch SXH thực sự hiệu quả, giảm số bệnh nhân mắc mới, kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn, huyện cần có kế hoạch cụ thể hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Cần tổ chức nhiều đợt phun hóa chất diện rộng, phun cả trong nhà và khu vực công cộng để giảm nguy cơ bùng phát dịch, phải có người chịu trách nhiệm các khu vực phế thải để công tác phun hóa chất đạt hiệu quả cao. Duy trì hàng tuần chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, tập trung thu gom phế thải phế liệu, những dụng cụ chứa nước không sử dụng đến, đặc biệt là những khu vực buôn bán chai, lọ hay khu vực sửa chữa xe có lốp xe…

Đối với bể nước tại các hộ gia đình cần có nắp đậy cẩn thận. Nếu phát hiện có bệnh nhân mắc SXH cần xử lý môi trường, phun mù nóng, phun hóa chất diệt muỗi xung quanh nhà bệnh nhân. 

Các xã thống kê số lượng trường học, khu vực công cộng (nghĩa trang, đình chùa, bãi phế thải…) để phân công nhiệm vụ rõ ràng. Yêu cầu đội ngũ y tế phun thuốc diệt muỗi tại các trường học trước khi khai giảng năm học mới. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng tránh muỗi đốt như ngủ màn, kem xoa ngoài da, hóa chất diệt muỗi…

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức các buổi họp dân lồng ghép tuyên truyền các nội dung phòng chống SXH. Tổ chức đào tạo, tập huấn lại cho lực lượng đội xung kích, tổ giám sát. Khi nghi ngờ mắc SXH, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị kịp thời. SXH sẽ tăng nhanh nếu các cấp ngành và người dân không cùng nhau vào cuộc quyết liệt.

Lê Phương