Nhiều kết quả tích cực trong khám, chữa bệnh

Thống kê của Cục Công nghệ thông tin (CNTT - Bộ Y tế) cho thấy, đến nay 100% các bệnh viện đã triển khai ứng dụng CNTT ở các mức độ khác nhau, một số bệnh viện đã bước đầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Cụ thể, hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa được nhiều bệnh viện triển khai tốt: Tại Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai với 11 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh, thành phố; Bệnh viện Việt Đức triển khai với 7 bệnh viện vệ tinh.

Việc triển khai ứng dụng robot cũng đã được thực hiện tại một số bệnh viện hạt nhân. Hiện nay có 4 hệ thống nổi bật đang được ứng dụng trong y học hiện đại là robot phẫu thuật nội soi Da Vinci, robot phẫu thuật cột sống Renaissance, robot phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và robot phẫu thuật thần kinh Rosa. Một số bệnh viện đã trang bị robot như: Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi Trung ương, Bình Dân…

Lần đầu tiên, một số bệnh viện đã thí điểm đưa ứng dụng “điện toán biết nhận thức” hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (năm 2018); ứng dụng ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện; cảnh báo tương tác thuốc bệnh viện; trong hỗ trợ tư vấn - chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu và hệ thống thông tin bệnh viện đang được các doanh nghiệp nghiên cứu thực nghiệm…

Một số bệnh viện đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác bệnh nhân như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… phát triển ứng dụng hồ sơ sức khỏe cho bệnh nhân; ứng dụng điện toán đám mây cho quản lý hệ thống thông tin bệnh viện quy mô vừa và nhỏ ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum…

Đặc biệt, kết quả ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Thành công trong việc kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan bảo hiểm xã hội, 1.356 bệnh viện các tuyến, 704 cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện; 704 trung tâm y tế huyện; 710 trung tâm y tế cơ quan, xí nghiệp và 11.105 trạm y tế xã, phường trên cả nước với nhau.

Xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT cho biết, đến nay, Bộ Y tế là đơn vị đầu tiên phê duyệt đề án về chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư kể từ khi có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện đề án này mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội.

Theo ông Trần Quý Tường, đề án phát triển công nghệ y tế thông minh được triển khai sẽ hình thành hệ thống phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe thông minh, giúp người dân chủ động phòng bệnh, dễ dàng tiếp cận các thông tin y tế, đồng thời được tư vấn, giúp đỡ chăm sóc sức khỏe kịp thời, hiệu quả.

Với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh, người dân sẽ được sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh tiên tiến và thuận lợi, hạn chế các rủi ro, tai biến khi điều trị, tiết kiệm được thời gian và chi phí khám, chữa bệnh.

Hệ thống quản trị y tế thông minh sẽ giúp cho các cơ quan quản lý y tế ra quyết định chính sách kịp thời dựa trên khả năng phân tích dữ liệu lớn, quản lý, theo dõi hiệu quả hoạt động của toàn bộ mạng lưới dịch vụ y tế trên toàn quốc; tăng khả năng ứng phó nhanh với các tình huống bất ngờ như: Kiểm soát, khống chế dịch bệnh, chia sẻ phương pháp điều trị mới, đào tạo từ xa, giúp cho hệ thống y tế Việt Nam dễ dàng liên thông, hội nhập với thế giới.

“Hình thành hệ thống y tế thông minh, góp phần nâng cao hình ảnh, chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam, tăng sự tin tưởng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ y tế, hướng đến nền y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế”, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh.

Phương Anh