Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, tổng hợp từ  55/63 tỉnh, thành, thực hiện chủ trương xã hội hóa và tự chủ bệnh viện, ngân sách giảm từ 8.889 tỷ đồng (năm 2018 so với 2015) và nguồn này được chuyển sang hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT), các bệnh viện thuộc Bộ Y tế giảm 562 tỷ đồng. 

Đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 26 bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên, giảm được 30.826 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước với số tiền khoảng 2.900 tỷ đồng/năm. Y tế tư nhân phát triển nhanh về số lượng và quy mô, đến 2018 đã có 206 bệnh viên, trên 30.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% dịch vụ nội trú cho người dân. Số người tham gia BHYT ngày càng tăng, từ 43,76% năm 2009 lên 88,5% năm 2018, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu  tại Nghị quyết số 68/2013/QH13…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Liên, tự chủ, xã hội hóa cũng đang đặt ra nhiều vấn đề như nhiều bệnh viện tuyến dưới, vùng khó khăn còn thiếu nhân lực, trang thiết bị nên khó khăn trong thu hút xã hội hóa, thực hiện tự chủ  các hoạt động chuyên môn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cảnh báo, đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ là chủ trương đúng hướng hiện nay, song cũng cần coi chừng rơi vào bẫy “lãng quên” y tế cơ sở.

Hiện nay, vẫn chưa ban hành được các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các bệnh viện, chưa có cơ quan kiểm định, đánh giá chất lượng dịch vụ, lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế còn chậm. Tại một số địa phương, nhiều đơn vị chưa bảo đảm được chi thường xuyên nhưng vẫn giao tự chủ chi  thường xuyên dẫn đến khó khăn trong hoạt động, nhiều định mức  chi chưa được quy định hoặc lạc hậu, không phù hợp với thực tế nên khó khăn cho bệnh viện, trình độ quản lý tài chính của nhiều đơn vị còn hạn chế trong giai đoạn chuyển đổi.

Phương Anh